TIN THỦY SẢN

Chuyển đổi nghề cho ngư dân

Từ ngày 1/4/2018, các ngành chức năng và địa phương liên quan sẽ đồng loạt ra quân xử lý tình trạng khai thác thủy sản bằng lồng bát quái. Việt Hoa

Theo quy định của tỉnh Quảng Ninh, Từ ngày 1/4/2018, tất cả các trường hợp khai thác thủy sản bằng lồng bát quái đều bị phạt tiền ở khung cao nhất và tịch thu ngư, lưới cụ. Ngư dân buộc phải chuyển đổi sang hình thức khai thác thủy sản theo quy định hoặc chuyển đổi sang nghề trên đất liền.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.500 lao động sử dụng 1.286 tàu đang khai thác thủy sản có sử dụng lồng bát quái, chiếm khoảng 10,5% tổng số lao động và 18% số tàu khai thác thủy sản toàn tỉnh. Trong đó, TX Quảng Yên có 803 tàu, Hải Hà có 120 tàu, Đầm Hà có 115 tàu, Hạ Long có 110 tàu... Những người ngư dân này sẽ buộc phải chuyển đổi sang hình thức khai thác thủy sản phù hợp với quy định nhà nước nếu muốn bám biển hoặc chuyển đổi sang nghề trên đất liền.

Để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất  tập trung và chương trình OCOP với những chính sách hỗ trợ tốt, nhằm thu hút lao động, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh phát huy kết quả thực hiện các chính sách phát triển đội tàu xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển đội tàu xa bờ (theo Quyết định 4204/2015/QĐ-UBND ngày 24/2/2015 của UBND tỉnh) để thu hút lao động từ các nghề khai thác ven bờ.

Hiện nhiều địa phương đang dành quỹ mặt nước để thu hút ngư dân chuyển đổi từ khai thác ven bờ sang NTTS. Trong ảnh người dân xã Hải lạng, huyện Tiên Yên thu hoạch tôm


Người dân xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên thu hoạch tôm thẻ chân trắng.

Cùng với đó, thực hiện Quyết định 209/2017/QĐ-UBND ngày 17/1/2017 của UBND tỉnh về quản lý, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên bãi triều, mặt nước biển, các địa phương đã ưu tiên giao mặt nước cho người dân chuyển từ nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề nuôi trồng thủy sản. Trong đó, TP Cẩm Phả đã hoàn thành quy hoạch, có thể giao cho người dân sản xuất; huyện Tiên Yên đã hoàn thiện quy hoạch, đang làm các thủ tục cần thiết để giao cho người dân; 2 địa phương Vân Đồn, Hạ Long đang lập quy hoạch. Đây là chính sách được đánh giá cung cấp nguồn lực, tư liệu sản xuất bền vững cho ngư dân, tạo động lực chuyển đổi nghề nghiệp. 

Được biết, để thực hiện Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/3/2018), Sở NN&PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh tập trung vào chính sách vay vốn đóng mới tàu và vay vốn lưu động khai thác thủy sản xa bờ. Cùng trong năm 2018, tỉnh sẽ dành nguồn lực trên chục tỷ đồng cho công tác đào tạo, trong đó phê duyệt danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề.

Cùng với các đơn vị chuyên môn của tỉnh, các địa phương có nhiều ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản bằng lồng bát quái cũng đã có những chương trình, định hướng chuyển đổi nghề khá thiết thực. Đơn cử như TX Quảng Yên thời gian qua đã rà soát cụ thể về số lượng ngư dân và đánh giá nhu cầu chuyển đổi nghề. Theo đó toàn thị xã có tổng số 828 hộ với 1.688 lao động tham gia sử dụng ngư cụ lồng bát quái để khai thác thủy sản, trong số này có gần 450 người có nhu cầu vay vốn để tổ chức sản xuất. Sau khi thực hiện rà soát, đánh giá nhu cầu của ngư dân, thị xã sẽ xây dựng phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với từng đối tượng.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các ngư dân cũng có thể dễ dàng tìm việc làm tại các khu công nghiệp của tỉnh, vốn đang rất cần lao động; hoặc tận dụng chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp để canh tác đồng ruộng, trồng lúa, hoa màu...

Cùng với những hỗ trợ trên, thiết nghĩ, để ổn định cuộc sống, quan trọng nhất là ngư dân phải chủ động tìm và thực hiện phương án chuyển đổi nghề cho mình một cách phù hợp, dựa trên điều kiện thực tế.

Việt Hoa Báo Quảng Ninh