Chuyển đổi từ nuôi tôm sang cá dìa, nông dân vẫn thắng đậm
Với mục tiêu chuyển đổi đối tượng nuôi, cải tạo môi trường sinh thái, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã đưa vào thí điểm mô hình nuôi cá dìa trong ao đất.
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do môi trường ao nuôi bị suy thoái, dịch bệnh trên tôm nuôi liên tục xảy ra. Với mục tiêu chuyển đổi đối tượng nuôi, cải tạo môi trường sinh thái, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã đưa vào thí điểm mô hình nuôi cá dìa trong ao đất. Sau 6 tháng triển khai mô hình đã mang lại hiệu quả cao cho hộ thực hiện mô hình.
Mô hình nuôi cá dìa được thực hiện tại khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà trên diện tích 0,4 ha, thả nuôi 8.000 con cá dìa giống kích cỡ 5 – 6 cm. Ao nuôi cá dìa được lựa chọn làm mô hình là ao nuôi tôm đã bỏ hoang hơn 3 năm nên trước khi thả được cán bộ chỉ đạo kỹ thuật hướng dẫn dùng máy đào sâu thêm 20 cm để loại bỏ chất thải ở đáy ao. Sau đó cày lật đáy ao, bón vôi và phơi đáy ao trong 10 ngày để loại bỏ các loại mầm bệnh, khí độc.
Cá dìa giống thả nuôi được lấy từ cơ sở có uy tín, có giấy kiểm định chất lượng. Với đặc tính cá dìa rất nhạy cảm với môi trường nên trong quá trình nuôi nếu phát hiện cá có hiện tượng khác thường, tấp vào bờ thì phải xử lý ngay bằng cách chạy máy quạt nước, máy sục khí và bổ sung thêm chế phẩm sinh học. Mỗi ngày cho cá dìa ăn 2 lần, do sử dụng thức ăn công nghiệp nên phải cân đối từng bữa nếu không sẽ rất dễ gây ô nhiễm nguồn nước trong ao.
Kết quả sau 6 tháng triển khai, mô hình đã cho thu hoạch hơn 1,4 tấn cá dìa, kích cỡ bình quân 4 con/kg. Với giá bán từ 140.000 đồng/kg đã mang lại lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Mặc dù lợi nhuận không cao bằng lúc nuôi tôm thâm canh được mùa nhưng nuôi cá dìa mức độ rủi ro thấp; ít khả năng thua lỗ vì vốn đầu tư thấp. Sản phẩm cá dìa thu hoạch đạt kích cỡ lớn, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, và bán được giá cao trên thị trường. Đầu ra của cá dìa cũng rất thuận lợi, đến vụ thu hoạch thương lái đến thu mua nên người nuôi rất yên tâm.
Mô hình nuôi cá dìa trong ao đất được triển khai trên diện tích 0,4 ha, thả nuôi với mật độ 2 con/m2. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 50% cá giống và thức ăn, còn lại do hộ thực hiện đóng góp. Cá dìa là đối tượng nuôi mới, lần đầu tiên được đưa vào nuôi thử nghiệm trong ao đất.
Cá dìa là loài cá được đánh giá là có sức sống rất tốt, sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn và chất lượng thịt ngon. So với nuôi tôm và một số loại cá khác thì cá dìa dễ nuôi hơn nhiều và ít tốn công chăm sóc. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo một môi trường nước trong sạch, xử lý kịp thời khi thời tiết thay đổi bất thường như định kỳ bổ sung lượng nước hao hụt do nắng nóng, đảm bảo độ sâu từ 1,4 m trở lên.
Định kỳ sử dụng vôi nông nghiệp, khoáng chất, chế phẩm sinh học…để ổn định môi trường nước. Cá dìa là loại ăn tạp, do vậy trong nuôi thâm canh có thể sử dụng các loại thức ăn công nghiệp tổng hợp có độ đạm từ 35% trở lên để làm thức ăn cho cá.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, kết hợp với môi trường ở các vùng nuôi tôm lâu năm bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, đã làm cho người nuôi tôm luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Việc thực hiện thành công mô hình nuôi cá dìa trong ao đất đã mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nghề nuôi thủy sản. Đặc biệt là với các ao nuôi tôm kém hiệu quả, những vùng nuôi thường xảy ra dịch bệnh, môi trường bị suy thoái.
Thực tế là trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có một số diện tích nuôi tôm phải bỏ hoang do dịch bệnh. Trước tình hình đó, việc lựa chọn, bổ sung các đối tượng nuôi mặn, lợ có giá trị kinh tế đưa vào nuôi luân canh, xen canh tại các vùng nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh nhằm thay đổi môi trường, đồng thời đa dạng hóa đối tượng nuôi là rất cần thiết.
Kết quả sau 6 tháng triển khai, cá có tỉ lệ sống trên 90%, sản lượng đạt hơn 1,4 tấn. Với giá bán trên thị trường từ 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí hộ thực hiện mô hình lãi trên 50 triệu đồng.
Vụ nuôi tôm năm nay thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiều vùng nuôi tôm trong tỉnh, thậm chí là các ao nuôi công nghiệp, được đầu tư thâm canh cao cũng đã bị ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng với mô hình này cá dìa vẫn phát triển tốt. Mặc dù lợi nhuận không cao như so với nuôi chuyên tôm nhưng mô hình nuôi cá dìa đã giảm rủi ro cho các hộ nuôi tôm và mang thu nhập ổn định; phù hợp với trình độ sản xuất và nguồn vốn đầu tư của đa số nông dân.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao khi thực hiện mô hình nuôi cá dìa trong ao đất, người nuôi cần thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật như cải tạo tốt ao nuôi; đê bao chắc chắn giữ được mức nước trong ao theo yêu cầu kỹ thuật; có ao lắng trữ nước trước khi cấp vào ao nuôi; con giống phải được mua ở những cơ sở có uy tín và được lựa chọn kỹ, có giấy kiểm định chất lượng; thả nuôi với mật độ hợp lý; quản lý chặt chẽ môi trường ao nuôi….
Qua đó, vừa góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, vừa cải thiện môi trường trong ao nuôi tôm, tiến tới nuôi bền vững.