TIN THỦY SẢN

Nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng bè gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm

Phát triển nghề nuôi cá gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: NT NT

Nhằm tận dụng tiềm năng dồi dào nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai nhân rộng mô hình Nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng bè trên hồ chứa thuỷ lợi hoặc đập dâng gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 100 m3 lồng nuôi/điểm trình diễn, tại hồ Núi Một, xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) và hồ Hội Sơn, xã Cát Sơn (huyện Phù Cát). 

Nghề nuôi cá điêu hồng trong lồng bè trên hồ chứa thủy lợi đã được các hộ dân phát triển từ rất lâu. Tuy nhiên, hình thức nuôi chủ yếu tự phát, cùng với đó là giá cá thương phẩm bấp bênh, nên người nuôi rất khó khăn, chưa tìm ra được hướng đi mới để mở rộng phát triển sản xuất. Mô hình triển khai sẽ giúp người nuôi an tâm hơn về đầu ra sản phẩm với giá cả hợp lý. Các hộ dân tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm dựa trên một cơ chế phối hợp đã được đề ra, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia.

Ông Hồ Văn Khương, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, chia sẻ: Vụ vừa qua tôi tiến hành thả nuôi 10.000 con cá điêu hồng giống, kích cỡ 6 cm/con. Trong quá trình nuôi, tôi luôn tuân thủ theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về vệ sinh lồng nuôi, quản lý thức ăn dư thừa, thường xuyên theo dõi tốc độ phát triển của cá về kích cỡ và trọng lượng. Đặc biệt khi cá phân đàn, thì phải sang lồng nuôi theo cùng kích cỡ giúp cá phát triển đồng đều hơn.

Vì vậy, sau 6 tháng nuôi, cá có tỷ lệ sống 80%, trọng lượng trung bình 700 g/con, sản lượng đạt 5.600 kg. Hiện nay, giá cá thương phẩm ổn định, được thu mua ở mức khá cao 52.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại khoảng 100 triệu đồng. Sau vụ này, tôi sẽ tiếp tục áp dụng theo kỹ thuật đã được hướng dẫn sản xuất và dần mở rộng diện tích, gia tăng sản lượng.

Cùng tham gia mô hình tại hồ Núi Một, ông Bùi Tấn Hải, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn cho hay: Trong thời gian qua, tôi nuôi nhiều loại cá nước ngọt như cá thát lát cườm, cá điêu hồng,… Tuy nhiên thu nhập đem lại không ổn định bởi giá cá thương phẩm phụ thuộc phần nhiều vào thương lái. Vì vậy, bà con nuôi cá cần có đầu ra ổn định để yên tâm mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Khi tham gia mô hình, tôi được đảm bảo đầu ra cho cá thương phẩm với giá cả ổn định nên rất yên tâm.

Đến nay, sau gần 6 tháng thả nuôi, với 100 m3 lồng, ông Hải ước tính tổng sản lượng khoảng 4.250 kg, nếu giá cá ổn định từ 51.000 – 52.000 đồng/kg, ước tính thu nhập mang lại cho gia đình ông khoảng 32 – 40 triệu đồng.

Kết quả mô hình đem lại rất khả quan, năng suất cá đạt khá cao từ 42 – 56 kg/m3, lợi nhuận mang lại cho các hộ dân cũng cao hơn so với trước đây. Đặc biệt những lo lắng trước đây đã được giải quyết triệt để, thông qua việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý. Đó là cơ sở để các hộ nuôi mạnh dạn đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Với lợi thế về điều kiện sẵn có từ các hồ chứa nước thủy lợi, thì đây là một mô hình cần phải được duy trì và nhân rộng trên địa bàn tỉnh, giúp người nuôi thủy sản trong lồng bè trên các hồ chứa thủy lợi yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

NT