Chuyển giao kỹ thuật nuôi nhuyễn thể và cá biển
Nhằm giúp cho các hộ dân xung quanh đầm Đề Gi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với các loài nuôi có giá trị kinh tế, đem lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững. Đồng thời góp phần tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học các loài thủy sản có nguy cơ ngày càng cạn kiệt.
Ngày 03.8, tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Trung tâm Khuyến nông Bình Định và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phù Cát phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi nhuyễn thể và cá biển cho 50 hộ dân nuôi trồng thủy sản của xã Cát Khánh và các xã lân cận.
Tại lớp tập huấn, các hộ nuôi trồng thủy sản được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi thương phẩm một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như hàu, nghêu, sò huyết, cá mú, cá chẽm, cá hồng,… theo đó, các hộ dân được hướng dẫn cách chọn vị trí xây dựng ao, lồng nuôi phù hợp cho từng đối tượng nuôi; công tác chuẩn bị, cải tạo ao, lồng đến kỹ thuật chọn giống, thả giống với mật độ hợp lý; thức ăn và các loại thức ăn phù hợp; cách chăm sóc, quản lý môi trường nuôi; các biện pháp phòng và trị bệnh cho các đối tượng nuôi để nâng cao tỷ lệ sống, giúp các đối tượng sinh trưởng và phát triển tốt.
Cá chẽm giống. Ảnh: NTN
Theo các hộ dân tham gia lớp tập huấn, trong những năm gần đây nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương phát triển rất đa dạng, không chỉ riêng trên đối tượng nuôi con tôm, mà các loại nuôi khác như hàu, cá mú,… đã phát triển nhanh chóng và đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Đa số các hộ dân đều khẳng định nuôi hàu là một hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế rất cao và ổn định, trung bình mỗi năm lãi từ 70 – 150 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các hộ dân tại xã Cát Khánh còn phát triển nghề nuôi sò huyết, cá chua, cua… cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/ha/năm.
Đầm Đề Gi với diện tích rộng hơn 2.000 ha, được bao bọc xung quanh bởi 05 xã: Cát Khánh, Cát Minh (huyện Phù Cát) và Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế trú ngụ và sinh sống, góp phần tạo nên nguồn lợi đa dạng sinh học, đồng thời là nơi mưu sinh của các hộ dân khu vực sinh sống quanh đầm.
Tuy nhiên, việc khai thác quá mức trong thời gian dài đã dẫn đến sự cạn kiệt các loài, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái vùng đầm. Vì vậy, việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái là yếu tố hết sức quan trọng, giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.