TIN THỦY SẢN

Chuyện tư nhân hỗ trợ ngư dân

Anh Lê Mến. Ảnh: VGP/Minh Trang minh trang

Là người sáng lập nên tổ hậu cần nghề cá đầu tiên tại Đà Nẵng, ngư dân Lê Mến (hội viên nông dân phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã thực sự tạo ra một bước phát triển mới trong nghề khai thác hải sản tại đây.

Là người gốc Huế, nhưng cuộc sống chài lưới ở quê hương khó khăn nên năm 1990, anh Lê Mến chuyển vào Đà Nẵng lập nghiệp. Từ chiếc tàu 320 CV, với số tiền tích cóp cùng vốn vay hỗ trợ của chính quyền, gia đình anh mạnh dạn đóng 3 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá với tổng công suất hơn 2.000 CV, trong đó chiếc ĐNA 90444 TS công suất 1.160 CV là tàu hậu cần lớn nhất miền Trung.

Anh chia sẻ: “Trước kia mỗi chuyến ra biển khơi, các chủ tàu gánh rất nhiều phí tổn, lại mất thời gian đi lại, dẫn đến hiệu quả đánh bắt không cao. Vì vậy, tổ hậu cần nghề cá vùng khơi phần nào đáp ứng được nguyện vọng được bán nguyên liệu ngay trên biển của bà con”.

Tháng 5/2012, Tổ hậu cần dịch vụ nghề cá vùng khơi phường Thuận Phước, TP. Đà Nẵng do anh Lê Mến làm tổ trưởng đã ra đời với nhiệm vụ bám theo bà con ngư dân, cung cấp nhiên liệu thiết yếu đặc biệt là dầu, đá lạnh, nhu yếu phẩm và thu mua trực tiếp hải sản của ngư dân ngoài biển xa.

Với đội tàu lớn, công suất mạnh, Tổ hậu cần có khả năng vận chuyển từ 20-80 tấn hàng/tàu/chuyến. Đặc biệt, nếu hoạt động hết công suất thì hoàn toàn có thể tiếp tế cho đội tàu đánh bắt xa bờ gần 100 chiếc bám biển dài ngày hơn cũng như kịp thời thu mua và đảm bảo chất lượng hải sản khi đưa về đến đất liền.


Đội tàu hậu cần có tổng công suất 2.000 CV của gia đình anh Lê Mến. Ảnh: VGP/Minh Trang

Sau 1 năm rưỡi ra đời, Tổ hậu cần nghề cá vùng khơi đã thực sự phát huy được hiệu quả. Hiện mỗi chuyến ra khơi của chủ tàu trước kia chỉ có thể đi từ 4-6 ngày để kịp đưa cá tươi vào bờ bán thì nay có thể kéo dài đến 1 tháng. Nhờ thế, chủ tàu có thể giảm chi phí nhiên liệu trung bình 30-40 triệu đồng tiền dầu/chuyến biển, tăng sản lượng lên 3-5 tấn, lại đảm bảo nguồn thu mua sản phẩm.

“Điều tôi cảm thấy tâm đắc nhất đó là nhờ có tàu hậu cần, thu nhập của bà con từ 1,8-2 triệu đồng/tháng/người giờ đã tăng lên 7-10 triệu đồng/tháng/người, chính vì bán được sản phẩm chất lượng hơn”, anh Mến hồ hởi nói.

Ông Nguyễn Minh (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), một ngư dân đã hoạt động hơn 20 năm, nhận xét: “Tổ hậu cần làm dịch vụ nghề cá thực sự đã tháo gỡ được khó khăn của chúng tôi, giúp các chủ tàu yên tâm bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Bên cạnh đó, tổ hậu cần đã giải quyết việc làm cho 45 lao động trong đó đa số là hộ nghèo với thu nhập 1 năm đạt trung bình 80 triệu/đồng.

Hiện tổ hậu cần nghề cá do anh Mến làm tổ trưởng luôn hoạt động ổn định và ngày càng vững mạnh, số lượng tàu đã tăng lên con số 5, sang năm 2014 sẽ tiếp tục cho ra đời một con tàu có trọng tải hơn 1.000 CV. Còn anh Mến cũng đang lên kế hoạch đóng được tàu hậu cần có công suất 2.000 CV để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của bà con ngư dân.

Trong công tác hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn quận Hải Châu, anh Mến cũng là người hoạt động rất tích cực và năng nổ. Gia đình anh đã bỏ ra số tiền gần 400 triệu đồng để cho gần 50 chủ phương tiện tàu cùng đi đánh bắt xa bờ gặp khó khăn mượn không lấy lãi để mua lưới cụ, xăng dầu, tu sửa máy móc… anh cũng góp hơn 30 triệu đồng tặng quà cho hội viên nông dân nghèo trong các dịp lễ, Tết.

Với những thành tích đó, anh Lê Mến xứng đáng đại diện cho 42.000 nông dân trên toàn TP. Đà Nẵng sắp tới đây được Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2013. Bên cạnh đó anh còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương, Thành phố trao tặng.

minh trang Báo Điện tử chính phủ, 14/10/2013