CITES 2013 tập trung vào lâm sản, thủy sản và động vật hoang dã
Tìm giải pháp ngăn chặn nạn đánh bắt quá mức, khai thác gỗ trái phép và đẩy lùi tội phạm về động vật hoang dã là những vấn đề chính được thảo luận tại Hội nghị thường niên ba năm một lần của Công ước Buôn bán Quốc tế Các loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) từ ngày 3 – 14/3/2013.
Hội nghị lần này có sự góp mặt của khoảng 2.000 đại biểu đại diện cho hơn 150 chính phủ, cộng đồng bản địa, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp với 70 đề xuất yêu cầu sửa đổi quy định đối với những loài cụ thể. Đa phần các đề xuất đã phản ánh được mối quan ngại quốc tế ngày càng lớn trước làn sóng săn trộm và buôn bán động vật hoang dã trái phép, tình trạng suy giảm trầm trọng nguồn tài nguyên rừng và biển vì nạn đánh bắt cá và khai thác gỗ quá mức cùng nguy cơ đe dọa an ninh đang gia tăng từ phía loại hình tội phạm động vật hoang dã.
Theo ông John E. Scanlon, Tổng thư ký Công ước CITES, “năm 2013 chính là mốc đánh dấu 40 năm tồn tại của Công ước CITES và sẽ là năm quan trọng quyết định tương lai của các loài động thực vật hoang dã trên thế giới”.
“Thực tế, thời gian qua, tình trạng khai thác quá mức các nguồn tài nguyên đã đặt nhiều quốc gia vào con đường phát triển thiếu bền vững, gây sức ép ngày càng lớn lên các loài động thực vật. Trong bối cảnh đó, CITES, cùng với nhiều hiệp định quốc tế khác, chính là nơi tạo cơ hội cho các nước theo đuổi những hướng đi sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên mà vẫn thân thiện với môi trường” – ông Achim Steiner, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) kiêm Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc, cho biết.
Ông nói thêm: “Những đề xuất của năm nay đều tập trung tìm cách cải thiện công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các loài sinh vật biển (gồm một số loài cá mập) và các loài gỗ (gồm hơn 100 loài gỗ trắc và gỗ mun của Madagascar), quần thể lạc đà Vicuna của Ecuador, gấu Bắc cực, voi châu Phi, tê giác trắng, rùa nước ngọt, ếch, cá sấu, cây cảnh, cây thuốc và một số loài sinh vật khác”.
Các chính phủ sẽ cùng nhau xem xét, tiến đến thống nhất, loại bỏ hay điều chỉnh những đề xuất để sửa đổi, bổ sung vào các Phụ lục của Công ước CITES tại Hội nghị các bên tham gia Công ước. Hội nghị này cũng sẽ thảo luận về giải pháp thúc đẩy nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác… và những ảnh hưởng tiềm ẩn từ các bộ giải pháp tới sinh kế của cộng đồng nghèo vùng nông thôn…
Đáng lưu ý, đa số đề xuất đến từ cả các nước là nguồn xuất khẩu và các nước là thị trường tiêu thụ lâm sản cùng các sản phẩm động vật hoang dã trái phép. Điều đó phần nào cho thấy mối quan tâm, lo ngại của cộng đồng quốc tế về tình trạng suy giảm đa dạng sinh học do nạn buôn bán trái phép, thiếu bền vững các loài gây ra đang ngày một gia tăng. Đây có thể coi là một tín hiệu tốt cho tương lai của các hoạt động bảo tồn.
Ngày 4/3 vừa qua, cũng tại Bangkok (Thái Lan), Cơ quan Quốc tế Chống Tội phạm về Động vật hoang dã (ICCWC) đã chủ trì hội nghị bàn tròn giữa bộ trưởng, đại diện chính phủ cấp cao đến từ hơn 30 quốc gia và các quan sát viên đến từ các tổ chức quốc tế. Tâm điểm chính của hội nghị bàn về những giải pháp ngăn chặn loại hình tội phạm rừng và tội phạm động vật hoang dã có tổ chức xuyên quốc gia, trong đó chú trọng tới giải pháp áp đặt các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với kẻ phạm tội, tăng cường hệ thống bảo vệ, kiểm lâm và đẩy mạnh hợp tác xuyên biên giới. Ngoài ra, tại hội nghị lần này, các nước tiếp tục khẳng định lại cam kết mạnh mẽ trong việc đẩy lùi nạn chặt phá rừng và săn bắn động vật hoang dã vốn đang trở thành điểm nóng ở nhiều nơi trên thế giới.