TIN THỦY SẢN

Cơ hội phát triển từ nghề nuôi cá rô đồng

Cá rô đồng là loài cá dễ nuôi và có hiệu quả kinh tế cao rất được ưa chuộng trên thị trường. Ảnh: dunia-perairan.com Nhất Linh

Cá rô đồng là loài cá dễ nuôi, với chỉ sau 4 – 5 tháng nuôi là có thể xuất bán và có hiệu quả kinh tế cao rất được ưa chuộng trên thị trường. Cá rô đồng là sở hữu cơ quan hô hấp rất đặc biệt nên có thể sống được trong vùng nước thiếu ôxy hòa tan và nuôi với mật độ cao.

Đặc điểm tập tính 

Cá rô đồng (Anabas testudineus), là loài cá sống ở môi trường nước ngọt và nước lợ. Phân bố rộng rãi ở nhiều nước, phổ biến ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, chúng phân bố khắp các địa phương, chủ yếu ở các vùng đồng bằng, ít gặp ở miền núi. 

Chúng có màu xanh từ xám đến nhạt, phần bụng có màu sáng hơn phần lưng. Vây lưng, vây đuôi và vây đuôi có màu xanh đen, các vây khác có màu nhâu nhạt. Nắp mang cá có hình răng cưa, hàm răng chắc, sắc nhọc mọc nhiều trên hai hàm và xương lá mía, hàm răng ở giữa to hơn hai bên. Chúng có một cơ quan hô hấp đặc biệt dưới mang là mang phụ, cho phép chúng có thể hấp thụ ôxy trong không khí. 

Với bản chất là loài ăn tạp, khi trưởng thành cá rô đồng có thể dùng được nhiều loại thức ăn nhưng chúng ưa thích nhất là động vật đáy như giun ít tơ, ấu trùng, côn trùng,..Cá rô đồng cũng có thể được sử dụng như thức ăn chế biến và phụ phẩm nông nghiệp rất tốt.    

Trong tự nhiên, cá thường sinh sống ở các khu vực sông, ao, hồ, mương, ruộng, vườn và có thể sống ở các cửa sông lớn. Trong điều kiện nhân tạo, cá rô sống được trong bể xi măng, ao mương diện tích nhỏ. Cá rô đồng có tốc độ sinh trưởng tương đối chậm, có thể đạt trọng lượng từ 60 – 100g/con sau 6 tháng nuôi. Mùa sinh sản của cá rô đồng bắt đầu từ mùa mưa và chấm dứt vào tháng cuối mùa mưa. Như tại miền Nam, là từ cuối tháng ba đến cuối tháng tám, tháng chín Âm lịch. Còn tại các tỉnh Bắc Trung bộ và miền Bắc nước ta thì thời gian như trên có thể sẽ trễ hơn vài tháng. 

Ưu điểm 

Cá rô đồng trở thành một trong những loài cá nước ngọt. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn

Với khả năng thích nghi tốt và có giá trị dinh dưỡng cao, nếu cá ở nơi mát mẻ và bề mặt cơ thể được giữ ẩm, chúng có thể sống được ngoài không khí trong nhiều giờ (nhờ cơ quan hô hấp phụ trên mang sử dụng khí trời), đây là ưu thế trong việc vận chuyển và nuôi với mật độ cao. Nhờ đó mà cá rô đồng trở thành một trong những loài cá nước ngọt được người Việt ưa chuộng và là đối tượng thủy sản quan trọng đã và đang được nuôi phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL, dần phát triển nhiều ở vùng Đông Nam Bộ. 

Mô hình nuôi cá rô đồng phát triển ở nhiều địa phương nhờ chủ động được con giống (từ nghiên cứu thành công con giống bằng sinh sản nhân tạo). Ao nuôi cá rô đồng của ông Nguyễn Văn Vẹn, xã Lộc Thiện, tỉnh Bình Phước có diện tích chưa tới 300m2 nhưng lại giúp ông thu về 4 tấn cá/năm, mỗi lần xuất bán sẽ có lợi nhuận khoảng 2 tấn, với giá bán bình quân dao động từ 50,000 – 60,000 đồng/kg, mỗi năm ông thu lãi từ 100 – 120 triệu đồng.  

Ông Vẹn cho biết, so với các loài cá khác thì cá rô đồng dễ nuôi hơn, sức đề kháng mạnh nên ít dịch bệnh, thức ăn cho cá cũng là những loại cám thông thường có sẵn trên thị trường. Môi trường sinh sống của loài cá này không kén chọn, chúng có thể sống và phát triển ở nhiều loại nước khác nhau (nước mạch ao, hồ và cả nước giếng..). Đây chính là những ưu điểm khi chọn nuôi cá rô đồng thương phẩm. 

Hiện, cá rô đồng được nuôi với nhiều hình thức khác nhau. Có thể nuôi đơn trong ao hồ tự nhiên, nuôi trong ao lót HDPE hay trong bể bạt HDPE, ở một số vùng, cá rô đồng cũng được nuôi ghép với các loài thủy sản khác. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế mà bà con có thể lựa chọn mô hình nuôi cho phù hợp.  

Nhất Linh