Có nên tăng mồi cho tôm mỗi ngày không?
Tôm thẻ chân trắng là loài được nuôi phổ biến nhất hiện nay, song song với các kỹ thuật phòng trị bệnh thì việc cho tôm ăn như thế nào là đúng cách là một trong những câu hỏi luôn được đặt ra từ người nuôi.
Cách cho tôm ăn đúng cử, đúng liều lượng cho từng giai đoạn sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.
Cho tôm ăn đúng cách là như thế nào?
Có một quy tắc chung cho tôm ăn là theo 4 định: định chất, định lượng, định địa điểm, định thời gian. Tuy nhiên tùy mỗi giai đoạn của tôm mà cần có những cách cho ăn phù hợp
Khi tôm mới thả (7-10 ngày) cho tôm ăn cách bờ từ 2-4m. Thức ăn ở giai đoạn này là dạng bột mịn, vì vậy cần tắt quạt nước và trộn thức ăn với nước rồi tạt xuống ao. Không nên sử dụng thịt giáp xác, cá băm nhỏ trộn với thức ăn để kích thích tôm bắt mồi vì đây có thể là nguyên nhân truyền bệnh cho tôm.
Lượng thức ăn cho tôm khi mới thả khoảng 1-2 kg/100.000 PL. Sau đó tăng dần theo tuần hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất thức ăn.
Tôm mới thả có thể cho ăn từ 5-6 bữa/ngày để tôm có thể ăn mồi và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Khi tôm được 30 ngày tuổi (PL45-PL50) nên cho tôm ăn 4 bữa/ngày.
Lượng thức ăn mỗi bữa có thể tương đương nhau hoặc điều chỉnh tăng bữa này hoặc giảm bữa kia tùy thuộc vào điều kiện ao nuôi (chất lượng nước, thời tiết, sử dụng hóa chất…).
Trước khi chuyển số thức ăn: ví dụ chuyển từ thức ăn dạng bột mịn sang dạng mảnh hoặc từ số nhỏ sang số to cần thay đổi từ từ hoặc trộn thức ăn nhỏ to với tỷ lệ (7:3; 5:5; 3:7). Chuyển đổi thức ăn hợp lý sẽ giúp tôm sử dụng thức ăn tốt hơn, đặc biệt tránh hiện tượng tôm phân đàn, tranh giành thức ăn.
Quản lý tốt lượng thức ăn
Cung cấp thức ăn hàng ngày đủ lượng, phù hợp từng giai đoạn ương, nuôi, đảm bảo tôm phát triển đồng đều, tăng trưởng tốt, môi trường không ô nhiễm.
Tương ứng từng giai đoạn ương, nuôi cần chú ý: Điều chỉnh cữ ăn, lần ăn trong ngày, điều chỉnh lượng ăn, hàm lượng đạm tạo điều kiện tốt nhất để tôm phát triển.
Định lượng thức ăn giúp người nuôi biết sản lượng tôm thực tế trong ao, cỡ tôm hiện tại, mức độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, mật độ nuôi có phù hợp sinh khối hiện tại hay không.
Chủ động điều chỉnh thức ăn tăng, giảm, cho phù hợp, chủ động kế hoạch san, chuyển, tỉa thưa, thu hoạch.
Cách tăng thức ăn hợp lý
Để có thể tăng lượng thức ăn hợp lý cho ao tôm, cần xác một số yếu tố cơ bản như:
- Thời tiết
- Tảo
- Kích thước tôm
- Số lượng tôm thả
- Giai đoạn cho ăn
Khi tôm còn nhỏ, việc canh nhá tôm là không khả thi, người nuôi thường cho tôm ăn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao, vì vậy việc tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm mới thả rất quan trọng. Kèm theo đó có thể sử dụng thức ăn dạng bột để hỗ trợ tôm.
Các giai đoạn sau đó, người nuôi đã có thể tính lượng thức ăn bằng cách quan sát qua nhá tôm. Thực tế, lượng thức ăn được tăng lên ở mỗi lần cho ăn còn tùy thuộc vào kỹ thuật người nuôi.
Phương pháp tính lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng
Đa số lượng thức ăn tôm sẽ được chia theo 3 giai đoạn đó chính là: giai đoạn ương tôm (Dưới 30 ngày tuổi), giai đoạn từ 30 đến 60 ngày tuổi và giai đoạn 60 ngày tuổi đến thu hoạch. Vì ở mỗi giai đoạn, kích cỡ và lượng thức ăn khác nhau hoàn toàn nên cần phải đặc biệt chú ý.
Giai đoạn ương tôm ( Dưới 30 ngày tuổi)
Khi mới thả tôm ra hồ ương, thức ăn cho tôm giống sử dụng gồm thức dạng bột, dạng mảnh, 1 mm. Hàm lượng đạm trong thức ăn từ 40 – 41%, định lần ăn trong giai đoạn này, cho tôm giống ăn 7 – 9 lần/ngày.
Ngày thứ 2: Sau khi về hồ ương, định lượng thức ăn cho tôm giống ăn 50 - 60g/100.000 giống/lần.
5 ngày sau: Cho tôm giống ăn 300 - 400g/100.000 con/lần. Ngày thứ 10, cho ăn 500 - 600 g/100.000 giống/lần.
Ngày thứ 15, cho ăn 750 - 800g/100.000 giống/lần. Ngày thứ 20, cho ăn 1-1,5 kg/100.000 giống/lần. Trong giai đoạn này, dùng tay cho tôm ăn.
Khi ương tôm được 18 – 20 ngày, chọn ngày trời nắng, tôm khoẻ không lột, môi trường ổn định, tiến hành san, chuyển tôm sang giai đoạn 2, giai đoạn nuôi tôm lứa.
Giai đoạn 30 – 60 ngày tuổi
Thức ăn cho tôm lứa có các kích thước: 1.2 mm, 1.4 mm, 1.7 mm. Hàm lượng đạm trong thức ăn từ 42 – 43%, trong giai đoạn này, định lượng thức ăn cho tôm lứa ăn 5 – 6 lần/ngày.
Ngày thứ 25, cho ăn 2 - 2,5 kg/100.000 giống/lần. Ngày thứ 30 cho ăn 4 - 6 kg/100.000 giống/lần, lượng ăn trên cần căn cứ thêm sức khoẻ tôm, thời điểm tôm lột xác, chất lượng môi trường, diễn biến thời tiết, khí hậu, điều chỉnh theo thực tế, tăng, giảm lần ăn cho phù hợp, không cần giảm lượng ăn/lần, nếu tăng, mỗi lần tăng 300 – 500 g/ngày.
Giai đoạn tôm từ 60 ngày đến khi thu hoạch
Hàm lượng đạm trong thức ăn từ 43 – 45%, trong giai đoạn này, cho tôm lứa ăn 5 – 6 lần/ngày.
Từ giai đoạn này nếu tôm khoẻ, trung bình cứ 1 tấn tôm, cỡ tôm ≥ 100 – ≤ 150 con/kg, ăn 13 -14 kg/lần (ăn 6 lần/ngày). Tôm cỡ ≤ 100 – ≤ 80 con/kg, ăn trung bình 8-10 kg/lần (ăn 5 lần/ngày). Tôm cỡ ≤ 80 – ≤ 70 con/kg, ăn trung bình 7- 8 kg/lần (ăn 5 lần/ngày).
Tóm lại có thể nói, lượng thức ăn được tăng mỗi ngày ở mỗi ao là hoàn toàn khác nhau, không thể có số liệu cụ thể chính xác chung. Bà con cần điều chỉnh phù hợp với diện tích, mật độ ao nuôi, số lượng thức ăn mà tôm tiêu thụ mỗi ngày có đang dư hay thiếu nhiều.
Vì nếu cho ăn không đúng cách, chi phí nuôi sẽ tăng cao (FCR tăng cao), thiệt hại cho người nuôi.