TIN THỦY SẢN

Cơ sở chế biến bột cá hành hạ cả trăm hộ dân

Các công nhân cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi của Chi nhánh DNTN Vàng Kim Xuân đang nấu cá biển chết sình. Ảnh: MINH KHANG. Minh Khanh

Chính quyền cùng cảnh sát môi trường từng kiểm tra nhưng sau đó không xử lý.

Hàng chục năm nay, cả trăm hộ dân ở tổ 8, khóm Tây Khánh 2, phường Núi Sam (TP Châu Đốc, An Giang) phải sống trong cảnh khốn khổ bởi mùi hôi thối từ cá biển chết sình gây ra từ cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi của Chi nhánh DNTN Vàng Kim Xuân gây ra.

Chị Phan Thị Ánh Nguyệt lật từng xấp hồ sơ bệnh án kể cơ sở này thành lập từ năm 2007, mùi hôi thối của cá biển chết sình đã làm chị bị viêm xoang gần hai năm nay. “Đi khám bác sĩ căn dặn về hít thở không khí trong lành, sạch sẽ mà ở đây mùi hôi thối bốc lên cả ngày. Giờ muốn bán nhà đi nơi khác nhưng không ai mua. Trình báo với chính quyền thì họ vào kiểm tra xong rồi đâu lại vào đấy. Đêm ngủ tôi phải lấy khẩu trang bịt miệng lại” - chị Nguyệt nói.

Tương tự, ông Phan Hùng Minh (76 tuổi, nhà cách cơ sở nói trên chưa được 100 m) cho biết ông đã làm đơn thưa đến chính quyền từ năm 2009 nhưng đến nay cơ sở này vẫn hoạt động bình thường, thậm chí quy mô còn lớn hơn. Các cháu của ông nhiều đứa phải đi ở nhờ nơi khác mới học hành được.

Sáng 17-2, chúng tôi đến cơ sở này. Mùi cá biển chết sình nồng nặc khắp nơi, xung quanh cơ sở nước bẩn tràn ngập. Có ba lò chế biến cá biển chết sình thành bột thức ăn đang được nung nấu bằng trấu liên tục. “Anh em ở đây nấu cá này suốt 24 giờ mới đạt chuẩn thức ăn cho cá. Làm hơn 15 năm rồi nên anh yên tâm đi. Muốn mua thì cứ liên hệ ở đây” - một quản lý tại đây nói.

Ông Lê Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Núi Sam, cho biết chủ doanh nghiệp này là ông Hà Chí Y. “Bản thân tôi cũng rất bức xúc trước việc này. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con cũng đã phản ứng. Cá biển chết nó hôi thối kinh khủng lắm. Chúng tôi có phối hợp kiểm tra cùng với cảnh sát môi trường Châu Đốc hồi đầu năm 2015 rồi nhưng tôi nghe nói chỉ lập biên bản chứ chưa xử lý. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị để cấp trên xử lý doanh nghiệp này, buộc họ phải có giải pháp chứ không thể để bà con sống trong ô nhiễm vậy hoài được” - ông Phương nói.

Đại diện UBND TP Châu Đốc cũng cho biết sẽ làm việc với các ngành liên quan tiếp tục xử lý nếu đã lập biên bản nhắc nhở mà vẫn còn tái phạm. “Các anh em liên ngành thường kiểm tra, răn đe là chính. Nếu không sửa thì TP sẽ xử phạt theo pháp luật” - vị lãnh đạo này nói.

Minh Khanh Plo, 22/02/2016