TIN THỦY SẢN

Cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà đầu tiên tại Mỹ

Tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Tép Bạc Nguyệt Hoa

Trong những năm gần đây, khi môi trường biển bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu suy thoái, đã có không ít doanh nghiệp, tập đoàn thủy sản nỗ lực triển khai những mô hình nuôi trồng mới nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Vào cuối tháng 3 năm nay, một hệ thống nuôi tôm trong nhà vừa được hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động chính thức ở Mỹ. 

CPF từ lâu đã nổi tiếng về công nghệ nuôi, nhân giống và khả năng kiểm soát dịch bệnh ở tôm. Do đó, những ấu trùng tôm ở trang trại HGS hiện đang là chất lượng tối ưu và được nhân rộng trên toàn cầu. Hệ thống nuôi tôm trong nhà lần này của tập đoàn Charoen Pokphand Foods (CPF) của Thái Lan và Homegrown Shrimp USA (HGS) được xem như một sự hợp tác mang tính đột phá.

Được biết, thị trường tôm tại Mỹ rất lớn; song, những hoạt động nuôi trồng, khai thác quanh năm chưa mang lại thành tựu tương xứng. Trang trại nuôi tôm trong nhà lần này được thành lập với mục đích tạo ra một mô hình nuôi tôm mới theo hướng phát triển bền vững có khả năng làm giảm thiểu tối đa chi phí nuôi trồng và chế biến tôm, nâng cao chất lượng tôm thương phẩm, giảm giá thành cho người tiêu dùng và quan trọng nhất là có thể dễ dàng truy xuất rõ nguồn gốc tôm.

Như vậy, lần hợp tác này dự đoán sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới cho ngành tôm ở Mỹ cũng như ngành sản xuất tôm của Thái Lan.

Có thể nói, trại giống của HGS được đầu tư hết sức kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn con giống, quy trình nuôi trồng, thu hoạch đến cả quá trình tái chế và thu gom chất thải rắn sau mỗi mùa thu hoạch. 

Cụ thể, cơ sở của HGS có quy mô rộng đến 80.000 ft2 (khoảng 7.500 m2). Với diện tích này, họ có thể cho ra hơn 60 triệu tôm giống hàng năm. Mô hình nuôi tôm khép kín này được trang bị 40 ao nuôi hình tròn, 8 bể tái chế nước cùng hệ thống xử lý chất thải rắn tiên tiến. Với phương châm nỗ lực hạn chế những tác động có hại đến môi trường, họ chủ trương giám sát chặt chẽ quá trình xả thải từ phân loại đến phân hủy sinh học và kết hợp với công nghệ nén, khử nước. 

Ngoài ra, họ cũng là những người đầu tiên triển khai hệ thống lọc và sử dụng tuần hoàn nước nhằm tái sử dụng hoàn toàn nguồn nước.

Điều quan trọng nhất là, công nghệ nuôi tôm trong nhà tại Mỹ đã khắc phục được rất nhiều khó khăn của việc nuôi tôm ngoài trời trước đây. Đó là họ có thể kiểm soát và giữ nhiệt độ môi trường nước bằng hệ thống RAS. Nhờ đó, họ đã thành công trong việc nâng cao tỷ lệ sống, giảm thiểu dịch bệnh, gia tăng tốc độ tăng trưởng cho tôm và nhất là có thể thu hoạch tôm quanh năm.

Cơ sở nuôi tôm tại Martin. Ảnh: globalseafood.org

Nhờ sở hữu những kỹ thuật tiên tiến cũng như chất lượng con giống hoàn toàn sạch bệnh (SPF), nguồn thức ăn được đảm bảo về chất lượng và số lượng, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng này tại Mỹ đang được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ đưa tôm trở thành hải sản số một và CPF tiến đến vị trí tiên phong trong công nghệ sản xuất tôm trên thế giới.

Dù mới đưa vào hoạt động không lâu, nhưng với những nỗ lực trên của cơ sở nuôi tôm trong nhà ở Mỹ tôm này, nhiều người dự đoán rằng họ có thể nhanh chóng thu hút được một số lượng lớn người tiêu dùng Mỹ. Từ đó, có thể gia tăng giá trị thương mại của tôm tại thị trường rộng lớn này. 

Đặc biệt, khi tích lũy thêm kinh nghiệm cũng như quản lý được những rủi ro sau mô hình nuôi tôm khép kín tại Mỹ, CPF và HGS mong muốn mở rộng mô hình này trên nhiều nơi khắp thế giới.

Theo Tiến sĩ Macintosh - Giám đốc điều hành HGS kiêm Phó chủ tịch cấp cao của CP Foods, ông hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều nơi trên thế giới triển khai mô hình nuôi trồng này. Bởi nó sẽ giúp các hộ nuôi, cơ sở lược bớt rất nhiều chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng và sản lượng tôm thương phẩm. Quan trọng, mô hình này còn là một biện pháp tối ưu làm giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường biển thông qua hoạt động nuôi trồng thủy sản của con người.

Nguyệt Hoa