TIN THỦY SẢN

Con tôm Cà Mau... thời VietGAP

Cà Mau đã khuyến khích và tăng cường hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi

Cà Mau đang thực hiện dự án: 'Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm', nhằm tạo ra sản phẩm tôm sạch và lúa gạo có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nuôi trồng thủy sản là ngành trọng điểm đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh, trong đó nuôi tôm chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, gần đây lại có xu hướng suy giảm. Nguyên nhân được xác định là do yêu cầu về chất lượng ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Để giải quyết vấn đề trên, Cà Mau đã khuyến khích và tăng cường hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, tôm sinh thái chất lượng cao, tôm sạch, để nâng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng mở rộng mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp an toàn sinh học theo hướng VietGAP được Ban Quản lý dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” tỉnh Cà Mau (dự án CRSD), hỗ trợ từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới. Dự án được triển khai tại 161 hộ nuôi tôm trên địa bàn ấp Tân Điền (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) trên diện tích hơn 100ha. Hiện dự án đang được mở rộng thêm khoảng 90 hộ dân tham gia, với 4 tổ thực hiện. Trong đó, 1 tổ thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ công nghiệp sinh học với 32 người tham gia, 3 tổ còn lại nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh. Nguồn vốn của dự án là 17 triệu USD, hỗ trợ cho 5 huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển.

Ở huyện Đầm Dơi, mô hình đang thử nghiệm tại hộ ông Tô Hoài Thương (ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt) với mật độ thả nuôi 100 con/m2, trong đó, nhà nước hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn. Qua gần 4 tháng nuôi, ông Thương thu hoạch được trên 2,8 tấn, trọng lượng 58 con/kg. Sau khi trừ chi phí, ông còn lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Nói về phát triển con tôm Cà Mau theo hướng VietGAP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử: Qua việc tổng rà soát các mô hình nuôi tôm trong tỉnh, sẽ tiến hành tổng kết, nhân rộng các mô hình có hiệu quả hiện nay, tiêu biểu là mô hình nuôi tôm hai giai đoạn cho tất cả các loại hình nuôi; hướng đến ngành tôm theo chuẩn VietGAP là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Nông nghiệp tỉnh thời gian tới.

Với những gì đã thực hiện, ngành Nông nghiệp Cà Mau đang khuyến khích nông dân chuyển hướng trồng lúa và hoa màu theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm xây dựng thương hiệu lúa gạo, nông sản, con tôm Cà Mau được thị trường tiêu thụ mạnh, đem lại lợi nhuận cao cho nhà nông; để người người, nhà nhà đều hiểu và sản xuất theo công nghệ mới.

Theo Báo Ảnh Đất Mũi