Công khai, phạt nặng tàu cá vi phạm hướng tới thẻ xanh EC
Mục tiêu có thể đàm phán với Liên minh châu Âu (EC) vào tháng 4-2018 để đến tháng 6-2018 thủy hải sản Việt Nam sẽ thoát khỏi thẻ vàng của EC là tương đối khó khăn. Và nếu không rút được thẻ vàng thì thị trường xuất khẩu thủy hải sản trong năm nay sẽ khó suôn sẻ như năm 2017, mục tiêu 10 tỷ USD khá xa. Trong khi nhiều nước xử phạt rất nặng đối với tàu cá và ngư dân vi phạm.
Phạt tiền, bỏ tù
Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã có quy định phạt rất nặng đối với tàu cá vi phạm. Cụ thể như, với Thái Lan đã sửa đổi hệ thống Luật Thủy sản với các khuyến nghị và cách tiếp cận quản lý nghề cá dựa vào Hệ thống Giám sát, Kiểm tra, Kiểm soát nghề cá (MCS).
Chính phủ Thái Lan đã gia nhập Hiệp định về các quốc gia có cảng (PSM), triển khai việc kiểm soát chặt chẽ tại cảng trước khi tàu rời bến và cập bến, lên cá. Chính phủ nước này đã thành lập Trung tâm Chỉ huy chống đánh bắt cá trái phép dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.
Triển khai lắp đặt Hệ thống Giám sát tàu cá (VMS) cho gần 6.000 tàu cá từ 30 GT trở lên để phục vụ cho việc theo dõi, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Theo Điều 43 Đạo luật B.E.2258 quy định hành vi khai thác không được cấp phép sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc phạt hành chính đến 200 triệu đồng.
Còn Indonesia dùng các biện pháp cứng rắn hơn trong bắt giữ và xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển (tập trung vào khu vực biển Araphura, Hanmahera và Natuna). Indonesia kiên quyết đánh chìm tất cả tàu cá nước ngoài bị bắt giữ, tăng khung hình phạt tù giam đối với thuyền trưởng từ 3 đến 6 năm; gửi văn bản thông báo về quyết tâm của Indonesia trong vấn đề này tới cơ quan ngoại giao các nước có tàu vi phạm.
Bên cạnh đó, Indonesia còn tăng cường số lượng và tần suất tàu thuyền, máy bay tuần tra, giám sát biển và xem xét sử dụng máy bay không người lái vào thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra Indonesia còn phạt tiền 20 tỷ Rupiah (38 tỷ đồng) đối với tàu cá nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép; 3 tỷ Rupiah (gần 6 tỷ đồng) đối với tội sử dụng giấy phép đánh bắt giả (SIPI), 2 tỷ Rupih (gần 4 tỷ đồng) việc sử dụng các công cụ đánh bắt cá gây hại đến sự bền vững tài nguyên biển.
Malaysia đã khởi động chương trình RaKam để ngăn chặn tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp, trang bị thiết bị liên lạc hai chiều giữa lực lượng chấp pháp trên biển và ngư dân để thông tin, phát hiện, xử lý ngay tàu cá nước ngoài vi phạm.
Phạt tù hoặc phạt tiền đối với ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển để khai thác hải sản bất hợp pháp với các mức phạt: Thuyền trưởng phạt từ 6 tháng đến 1 năm tù giam, phạt tiền là 1.000.000 ringgit tương đương 263.000 USD; thuyền viên phạt từ 2 đến 6 tháng tù giam, phạt tiền là 100.000 ringgit tương đương 26.300 USD.
Philippines cũng tăng cường các biện pháp bắt giữ, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển, đặc biệt là phạt từ 3 tháng đến 10 năm đối với thuyền trưởng, thuyền viên đối với hành vi sử dụng chất nổ, khai thác các loài hải sản quý hiếm; phạt từ 50.000 USD (1 tỷ đồng) – 1.000.000 USD (22 tỷ đồng) đối với các trường hợp vi phạm.
Công khai tàu cá vi phạm
Với Việt Nam, tàu cá vi phạm cũng đã giảm so với năm 2016. Tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt sau ngày 23-10-2017 khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với khai thác hải sản Việt Nam.
Cụ thể: Khánh Hòa (1 vụ/1 tàu/5 ngư dân); Quảng Ngãi (1 vụ/2 tàu/30 ngư dân); Cà Mau (5 vụ/5 tàu/26 ngư dân). Với thực trạng này, nhiều người lo ngại việc xuất khẩu thủy hải sản năm 2018 khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD nếu EC không rút thẻ vàng cho thủy hải sản Việt Nam.
Dù Bộ NN&PTNT cho biết, đang nỗ lực cùng với các địa phương để gỡ bỏ thẻ vàng của EC vào tháng 4 năm nay. Song, nhiều người vẫn nghi ngại bởi hệ thống hạ tầng cho nghề cá của Việt Nam vẫn quá sập sệ, thiếu ghi chép thì việc kiểm soát tàu cá đánh bắt bất hợp pháp là khá khó khăn.
Về vấn đề này, ông Hà Lê cho biết, Cục Kiểm ngư đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình Tổng cục Thủy sản ban hành Tài liệu hướng dẫn xây dựng Kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát theo hướng dẫn của EC.
Theo đó, các tỉnh ven biển cần phải tổ chức bộ phận thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thường trực tại cảng cá với sự phối hợp chặt chẽ của hai lực lượng thủy sản và Biên phòng để kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến. Không những vậy, địa phương cần rà soát, đánh giá lại nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.
UBND các tỉnh ban hành quy chế phối hợp; quy chế làm việc đối với lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng, trong đó phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ; chế độ thông tin, báo cáo và xử lý các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, sử dụng hệ thống thông tin giám sát hoạt động của tàu cá (VMS) để theo dõi, kịp thời phát hiện ngăn chặn đối với các tàu cá khai thác ở vùng biển nước ngoài, các tàu hoạt động trong vùng cấm... Công bố công khai danh sách các tàu cá và chủ tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp để báo cáo Chính phủ.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá, phát hiện ngăn chặn các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp theo khuyến nghị của EC, Luật Thủy sản năm 2017 đã quy định tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình mới được cấp giấy phép khai thác hải sản.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, đến 30-6-2017, tổng số tàu cá là 109.586 tàu, trong đó tàu cá có chiều dài từ trên 15 m là 26.561 tàu. Ông Hà Lê cho rằng, cần thiết phải nâng cấp hệ thống giám sát tàu cá để đảm bảo thực thi Luật Thủy sản 2017.