TIN THỦY SẢN

Công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm tại một số địa phương

Cẩm Chi (tổng hợp)

Thời gian qua, dịch bệnh trên các loài thủy sản nuôi liên tiếp diễn ra khiến nhiều hộ nuôi lao đao. Không chỉ gây nên thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh còn khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tôm là một trong những loài thủy sản được nuôi phổ biến do mang lại giá trị cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ vẫn đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Để giảm thiểu tổn thất do dịch bệnh trên tôm nuôi gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền địa phương đang chủ động, tích cực trong công tác phòng chống, kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh.

Theo đánh giá của các nhà quản lý, nhà khoa học, nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh bùng phát trên tôm nuôi nước lợ là do diễn biến thời tiết không thuận lợi, nắng nóng xen lẫn mưa lớn gây bất lợi cho quá trình nuôi tôm. Ngoài ra, việc chăm sóc và quản lý ao nuôi không hợp lý, chất lượng giống không đảm bảo, môi trường nuôi không đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến tôm chết hàng loạt. Không chỉ có vậy, một bộ phận người nuôi tôm còn tùy tiện nuôi, thả giống tôm chưa qua kiểm dịch. Cá biệt, tại một số địa phương, ban ngành chuyên môn đã kịp phát hiện nhưng báo cáo chậm và chưa tập trung cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời dẫn đến dịch bệnh tiếp tục bùng phát và lây lan trên diện rộng. Để khống chế và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên tôm nuôi, một số địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

Tại Ninh Bình, sau khi phát hiện tình trạng tôm nuôi bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, Chi cục Thú y đã phối hợp với Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Kim Sơn tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ nuôi tôm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch con giống, vệ sinh ao đầm, thức ăn chăn nuôi cho tôm. Sau khi được Chính phủ hỗ trợ 20 tấn hóa chất Chlorine, Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình đã hướng dẫn các hộ nuôi tôm sử dụng hóa chất để khử trùng tiêu độc môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh tại các ao đầm nuôi tôm. Nhờ đó, hạn chế được những thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Tại Hà Tĩnh, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng, đồng thời chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh cho nuôi tôm vụ 2, công tác phòng chống dịch bệnh rất được chú ý. Tại các huyện, thành phố ven biển, thành lập các đoàn công tác, cử các cán bộ về các vùng nuôi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, việc kiểm tra nguồn tôm giống được thả nuôi tại địa phương cũng được các ban ngành giám sát chặt chẽ, tránh việc vận chuyển và sử dụng tôm giống không đạt chất lượng, chưa qua kiểm dịch. Đối với những địa phương đã xảy ra dịch, công tác giám sát, khoanh vùng dịch được đặc biệt chú ý, đặc biệt nghiêm cấm xả nước ao nuôi và tôm bị bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, tổ chức xử lý dập dịch kịp thời bằng hóa chất Chlorine, không để dịch lây lan ra diện rộng. Chi cục Nuôi trồng thủy sản tăng cường hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chất lượng môi trường trong nuôi tôm theo quy định, đồng thời thông tin kịp thời và phối hợp với Chi cục Thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Cẩm Chi (tổng hợp) Tổng cục thủy sản