TIN THỦY SẢN

Công thức sử dụng một số thảo dược kháng bệnh cho tôm

Sử dụng chiết xuất thảo dược để tăng cường miễn dịch và kiểm soát bệnh cho tôm nuôi. Ảnh: Tép Bạc Sáu Nghệ

Sử dụng chiết xuất thảo dược để tăng cường miễn dịch và kiểm soát bệnh cho tôm nuôi được biết đến từ lâu, và hai năm qua các chuyên gia ở Trường Thủy sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ thực hiện chương trình Đổi mới sáng tạo tôm Mekong tập trung nghiên cứu đưa ra một số công thức cụ thể.

Bổ sung cao chiết lá ổi kháng Vibrio

Tiến sỹ Bùi Thị Bích Hằng giới thiệu: “Bổ sung cao chiết lá ổi (Psidium guajava) tăng cường miễn dịch, tăng trưởng và khả năng kháng Vibrio parahaemolyticus trên tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei)”. Khoa học đã biết, thảo dược là một trong những nguyên liệu tiềm năng được sử dụng phổ biến trong phòng trị bệnh cho người và động vật. Nhiều loại thảo dược được ghi nhận có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh vì chứa nhiều chất có hoạt tính kháng oxy hóa, kháng vi khuẩn, giảm stress và tăng cường hệ miễn dịch trên động vật.

Nghiên cứu trên tôm nuôi nước lợ, bổ sung cao chiết lá ổi với nồng độ 0, 1, 5 và 10 g/kg thức ăn trong 28 ngày, tiếp tục nuôi tôm đến 56 ngày để đánh giá tăng trưởng. Thí nghiệm cảm nhiễm với V. parahaemolyticus cũng được thực hiện để đánh giá khả năng phòng bệnh cho tôm của cao chiết lá ổi. 

Kết quả cho thấy bổ sung cao chiết lá ổi ở nồng độ 5g/kg thức ăn cho giá trị tổng tế bào máu, hoạt tính phenoloxidase, hoạt tính thực bào và sản sinh các phân tử oxy hóa cao nhất, đồng thời các protein có liên quan đến miễn dịch (lysozyme, superoxide dismutase, glutathione peroxidase, … ) cũng được biểu hiện. 

Ngoài ra, tăng trưởng của tôm được bổ sung cao chiết lá ổi cũng cao hơn so với tôm đối chứng, tôm ở nghiệm thức bổ sung cao chiết lá ổi (5g/kg thức ăn) có tốc độ tăng trưởng cao nhất và hệ số tiêu tốn thức ăn thấp nhất. Sau cảm nhiễm với vi khuẩn V. parahaemolyticus, tỉ lệ sống của tôm được bổ sung cao chiết lá ổi (5g/kg thức ăn) đạt 72,27%, cao hơn so với các nghiệm thức còn lại.

Lá ổi (Psidium guajava)

“Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy bổ sung cao chiết lá ổi có tiềm năng ứng dụng nhằm tăng cường miễn dịch không đặc hiệu, cải thiện tăng trưởng và phòng bệnh do V. parahaemolyticus trên tôm thẻ chân trắng”, Tiến sỹ Hằng kết luận.

Chất chiết lá bàng, diệp hạ châu thân đỏ kiểm soát bệnh hoại tử gan tụy

Theo Phó giáo sư-Tiến sỹ Trần Thị Tuyết Hoa, bệnh truyền nhiễm trên tôm nuôi diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt với sự xuất hiện của bệnh hoại tử gan tụy cấp tính vào năm 2009. Trong bối cảnh đó, việc bổ sung các chất chiết thảo dược có hoạt tính kháng mầm bệnh vào thức ăn được xem như giải pháp an toàn để phòng bệnh cho các đối tượng nuôi thủy sản. Nhiều loại thảo dược được xác định có tác dụng kháng khuẩn, kích thích tăng trưởng, tăng cường miễn dịch, và khả năng kháng bệnh ở động vật thủy sản.

“Đối với tôm, chất chiết lá bàng (Terminalia catappa), diệp hạ châu thân đỏ (Phyllanthus urinaria) bổ sung vào thức ăn cho tôm thẻ chân trắng được xác định mang lại nhiều kết quả tích cực giúp phòng bệnh cho tôm nuôi. Đặc biệt trong kiểm soát bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi”, Phó giáo sư-Tiến sỹ Trần Thị Tuyết Hoa cho biết.

Bổ sung 1% chất chiết diệp hạ châu thân đỏ, 1% chất chiết lá bàng vào thức ăn giúp tôm kháng lại Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính với tỷ lệ chết tích lũy 40% thấp hơn so với nhóm tôm không bổ sung là 71,1%

Cụ thể, sau 4 tuần sử dụng thức ăn có bổ sung thảo dược, kết quả ghi nhận: Nồng độ bổ sung 1% chất chiết diệp hạ châu thân đỏ, 1% chất chiết lá bàng cho hiệu quả về tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc bổ sung 1% chất chiết bàng giúp tôm thẻ chân trắng tăng cường sức khỏe, thể hiện qua các chỉ số miễn dịch (chỉ số huyết học, hoạt tính phenoloxidase, hoạt tính superoxide dismutase). Đặc biệt, việc bổ sung thảo dược vào thức ăn giúp tôm kháng lại vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính với tỷ lệ chết tích lũy 40% thấp hơn so với nhóm tôm không bổ sung thảo dược là 71,1%.

“Những kết quả đạt được của nghiên cứu cho thấy tiềm năng ứng dụng của chất chiết lá bàng, diệp hạ châu thân đỏ trong nuôi tôm thương phẩm”, Phó giáo sư-Tiến sỹ Trần Thị Tuyết Hoa kết luận.

Sáu Nghệ