Công ty của chồng đại gia Diệu Hiền trả bớt nợ cho nông dân
Sau 2 tháng hoạt động trở lại, Sohafood huy động nhiều nguồn khác nhau để trả hơn 20 tỷ đồng cho các hộ nuôi cá vào những ngày giáp Tết.
Chiều 25/1, Công ty cổ phần Thủy sản Sông Hậu (Sohafood) trả 15 tỷ đồng cho người nuôi cá để bà con đón Tết Nguyên đán đầm ấm hơn. Theo kế hoạch, đến tối cùng ngày tiền chuyển vào tài khoản để nông dân không phải đến Sohafood mang tiền mặt về nhà.
Trò chuyện cùng VnExpress.net, Chủ tịch HĐQT Sohafood cho biết, sau 2 tháng hoạt động trở lại, công ty đã thực hiện đúng cam kết với người nuôi cá khi trả được khoản nợ trên 20 tỷ đồng. Công ty huy động nhiều nguồn vốn để kịp trả hơn 20% trên tổng số nợ trước khi cho công nhân nghỉ Tết sớm và trở lại xưởng làm việc vào mùng 6 tháng Giêng.
"Sohafood chỉ còn nợ dân khoảng 40 tỷ đồng, sẽ trả dứt điểm vào tháng 6/2014. Quan điểm của HĐQT là ưu tiên trả nợ dân, sau đó nếu xét thấy cá nhân nào tham gia điều hành công ty trước đây vướng phải sai phạm thì lúc đó nhờ pháp luật can thiệp", ông Trí nhấn mạnh.
Nửa năm trước, nguyên Chủ tịch HĐQT Sohafood là ông Trần Thanh Long gửi đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân. Nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu Trần Ngọc Sương lên thay ông Long, ra quyết định tạm đình chỉ công tác Giám đốc điều hành Nguyễn Tấn Thanh để kiểm tra hoạt động tài chính của công ty. Khi đó, bà Sương kiêm nhiệm quyền giám đốc, hứa đến hết tháng 9/2013 sẽ trả được 20% nợ cho trên 40 người nuôi cá. Do không thực hiện đúng cam kết, nhiều nông dân yêu cầu bà Sương từ nhiệm để tìm người có đủ khả năng "giải cứu" Sohafood.
Ông Trí tham gia tái cơ cấu, giúp Sohafood hoạt động ổn định trở lại 2 tháng nay. Ảnh: Thiên Phước
Tại đại hội cổ đông ngày 11/11/2013, bà Ba Sương từ nhiệm. Chồng doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền là ông Trần Văn Trí được HĐQT bầu giữ chức Chủ tịch và ông Thanh trở lại vị trí Tổng giám đốc. Vị CEO 40 tuổi này cam kết với HĐQT sẽ chi tiền túi 20-30 tỷ đồng làm vốn đối ứng vay tiền ngân hàng với lãi suất thỏa thuận để hoàn thành lộ trình trả nợ dứt điểm cho dân vào giữa năm nay.
Đối với chồng doanh nhân Diệu Hiền, ngoài Sohafood, ông Trần Văn Trí cùng lúc làm Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Trí Việt (Vĩnh Long) và Phó chủ tịch Công ty cổ phần Thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng). Hơn nửa năm trước, ông Trí là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Bình An nhưng đã từ nhiệm sau 8 tháng Bianfishco thoát khỏi bờ vực phá sản.
Cả bốn "đại gia thủy sản" này đều lún vào nợ nần với tổng số gần 8.000 công nhân có nguy cơ mất việc. Trong đó Bianfishco "khai hỏa" đầu tiên vào năm 2012 với số nợ khoảng 1.800 tỷ đồng. Ngay lúc công ty gặp khó khăn thì người đầu tàu là nữ doanh nhân Diệu Hiền đổ bệnh, phải qua Mỹ xạ trị nhiều tháng liền. Ông Trí nghỉ việc Nhà nước để gánh vác Bianfishco và được các ngân hàng cơ cấu nợ, mời gọi được cổ đông lớn (Ngân hàng SHB của bầu Hiển).
3 trong 4 "đại gia thủy sản" ở miền Tây được ông Trí tham gia tái cơ cấu thành công sau khi bị lún vào nợ nần. Ảnh: Thiên Phước
Rời khỏi Bianfishco, ông Trí về Sóc Trăng tham gia tái cơ cấu cho Thủy sản Phương Nam. Hơn nửa năm ngồi trên "ghế nóng", người đàn ông này đã giải cứu thành công đại gia thứ hai với khoản nợ 1.600 tỷ đồng.
Nối tiếp duyên nợ với ngành thủy sản, ông Trí mạnh dạn tham gia tái cơ cấu Công ty Trí Việt và Thủy sản Sông Hậu. Hai công ty này đã hoạt động hiệu quả trở lại, tạo việc làm ổn định cho công nhân miền Tây.
"Bốn doanh nghiệp tôi tham gia tái cơ cấu thành công là có sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an. Lãnh đạo thành phố Cần Thơ với tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long cũng tạo điều kiện tốt để nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp thủy sản vỡ nợ, khôi phục lại ngành thủy sản xuất khẩu vốn là thế mạnh của địa phương", ông Trí chia sẻ.
Sinh ra ở quê lúa Vị Thủy của tỉnh Hậu Giang, sau vài năm làm cán bộ Ban điều hành Giao thông vận tải huyện Long Mỹ (Hậu Giang), ông Trí được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Dịch vụ Giao thông và xây dựng Long Mỹ vào năm 1984. Tháng 7/1992, ông Trí đưa vợ con về Sóc Trăng lập nghiệp khi tổ chức phân công làm Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ kỹ thuật Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 13 năm sau, ông Trí cùng bà Diệu Hiền về Cần Thơ cất nhà khi trở thành Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Cần Thơ kiêm Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ kỹ thuật Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 7/2012 ông Trí bước sang ngã rẻ mới và trở thành "Anh hai tái cơ cấu" - tên gọi thân thương của nông dân miền Tây đặt cho ông.