TIN THỦY SẢN

Cứ có hợp đồng, sẽ giải ngân

Tiến độ vay vốn quyết định thành công của chương trình Nghị định 67 (nay là Nghị định 89).     Ảnh: Trần Việt Trần Giang

Trước đó, lý giải về những khó khăn trong việc xét duyệt hồ sơ và tiến độ cho vay vốn Nghị định 67, TS Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho hay, có 5 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Đông là mặc dù Bộ NNPTNT đã đưa ra 21 mẫu thiết kế tàu sắt cho ngư dân tham khảo nhưng ngư dân cần thiết kế bổ sung để phối hợp với ngành nghề khai thác của từng địa phương.

Ngư dân cũng chưa dự toán được giá thành dẫn đến việc chậm ký được hợp đồng với cơ sở đóng tàu để làm cơ sở xây dựng phương án vay vốn ngân hàng. Chỉ sau khi hoàn thành khâu thiết kế và được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì ngư dân mới thỏa thuận hợp đồng đóng mới tàu và mới có cơ sở xây dựng phương án vay vốn.

Thứ hai, việc phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn của các địa phương triển khai ban đầu còn chậm. Chỉ khi các địa phương phê duyệt danh sách các chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể thì ngân hàng mới có cơ sở để tiếp cận thẩm định và giải ngân cho vay.

Một số địa phương đã phê duyệt danh sách ngư dân nhưng do các ngân hàng thương mại không được tham gia thẩm định khách hàng ngay từ khâu phê duyệt của cấp xã nên sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh sách, ngân hàng mới được tiến hành thẩm định lại và mất thêm một thời gian.

Và nguyên nhân thứ ba, theo ông Đông, chính là thói quen sử dụng phương tiện với giá thành thấp nên một bộ phận lớn ngư dân chỉ thích đóng tàu vỏ gỗ hơn vỏ sắt. Mà theo quy định trước đây của Nghị định 67 (chưa sửa đổi, bổ sung-PV), ngư dân muốn đóng tàu vỏ gỗ thì phải tự thuê thiết kế trình Bộ NNPTNT duyệt. Sau đó, ngân hàng mới xét duyệt phương án vay, thẩm định rồi mới ký hợp đồng và giải ngân. Như vậy, tốc độ giải ngân cũng không thể diễn ra nhanh.

“Ngư dân có nhu cầu đóng tàu vỏ gỗ, tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 67 thì phải có vốn tự có tối thiểu 30%, do vậy một số chủ tàu đã được UBND tỉnh duyệt đóng tàu đánh bắt xa bờ gặp khó khăn về vốn đối ứng” - TS Đông nói. Và nguyên nhân cuối cùng, theo ông Đông là nhiều ngư dân còn đắn đo giữa việc vay vốn đầu tư mới con tàu và việc tự bỏ tiền mua máy cũ với chi phí thấp hơn, thời gian hoàn vốn nhanh hơn.

Cũng theo ông Đông, cứ có hợp đồng với cơ sở đóng tàu thì các tổ chức tín dụng mới có thể đẩy nhanh tiến độ cho vay và giải ngân vốn được.

“Để đảm bảo an toàn vốn vay, các ngân hàng thương mại không thể cho vay cả chục tỷ đồng với một ngư dân mới chỉ có kinh nghiệm, khả năng quản lý con tàu trọng tải vài tấn được” - ông Đông nói.

Trần Giang Báo Dân Việt, 07/01/2016