TIN THỦY SẢN

Cua pha lê giá vài triệu đồng một con

Cua pha lê có hình dáng và màu sắc giống một viên pha lê. Thi Hà

Cua pha lê có kích cỡ lớn, hình dáng độc đáo, thịt trắng và ngọt nên dù có giá 2-2,5 triệu đồng một kg vẫn hút khách mua.

Là "tín đồ" của cua nên chị Hoàng ở quận 3 (TP HCM) thường chọn mùa để tìm mua những loại cua ngon, hiếm. Chị tiết lộ vừa tìm mua được con cua pha lê Australia nặng 2 kg với giá 5 triệu đồng.

"Loại này hình dáng không chỉ bắt mắt mà thịt còn chắc, dai và ngọt. Đặc biệt, màu thịt của chúng trắng muốt chứ không hồng như những loại cua cao cấp khác. Sở dĩ tôi tìm mua vì trước đây qua Australia từng được bàn bè dẫn đi ăn", chị Hoàng nói và cho biết loại này chỉ có theo mùa nên khá hiếm. Ban đầu chị định nhờ bạn bè xách tay về, nhưng khi biết tại các cửa hàng hải sản ở TP HCM và Hà Nội có bán nên liền đặt mua. 

Cũng săn lùng mua cua pha lê, chị Oanh ở Cầu Giấy (Hà Nội) phải đặt trước một tuần mới có hàng. Theo chị, loại này đặt mua ở cửa hàng thực phẩm chuyên hàng xách tay nên số lượng không nhiều, mỗi đợt họ chỉ có vài chục kg.

Chuyên nhập khẩu hải sản với số lượng lớn, chủ vựa hải sản nằm trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1, TP HCM) cho biết, loại cua này nhập về đến đâu là được khách đặt hàng đến đó. Tuy nhiên, mỗi đợt chỉ nhập được vài tạ. 

Theo chủ cửa hàng, đây là loại cua có giá khá cao, đắt hơn nhiều so với cua hoàng đế. Tại cửa hàng chị, mỗi kg cua có giá 2 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với các nơi khác vì nhập về với số lượng lớn. "Loại này không chỉ có khách lẻ đặt mua mà nhiều nhà hàng ở Việt Nam cũng lấy qua cửa hàng của tôi. Tùy số lượng đặt hàng mà cua có mức giá sỉ khác nhau", chủ cửa hàng ở quận 1 chia sẻ.


Điểm đặc biệt của loài cua này là khi nấu chín màu sắc vẫn giữ nguyên.

Cua pha lê được đánh bắt ở bờ Tây Australia trên vùng biển Ấn Độ Dương nơi có độ sâu 500 - 900m, nhiệt độ 5-8 độ C. Chúng được lưu trữ và phân phối khắp nơi trên thế giới theo tiêu chuẩn của Australia, Mỹ và EU. 

Một năm, Australia chỉ cho phép khai thác 151 tấn do sản lượng của loại cua này hiếm. Hiện, hơn một nửa số lượng khai thác được người dân Australia sử dụng, còn lại hơn 60 tấn xuất khẩu mỗi năm. 

Thi Hà VnExpress