TIN THỦY SẢN

“Cuộc chiến“ đẩy lùi cá tầm lậu của một doanh nhân - luật gia

Ông Nguyễn Trọng Cử (bên phải) hướng dẫn khách tham quan trại cá ở Tam Đảo hà hương

Việt kiều Đức, về Hà Nội mua nhà ngay phố cổ cạnh Bờ Hồ, nhưng Nguyễn Trọng Cử lại chỉ đắm đuối với rừng rú. Anh “tót” lên tận Sa Pa, rồi Tam Đảo mày mò gây dựng nghề nuôi cá nước lạnh. Thế rồi bằng niềm đam mê, từ một anh luật gia tây học nay Cử đã trở thành chủ trại cá to nhất nhì miền bắc, nói về cá có thể “chém gió” cả ngày với cả những bậc thầy thủy sản.

Trại cá của Nguyễn Trọng Cử nằm ngay bên hồ Xạ Hương, dưới chân núi Tam Đảo. Nước nguồn trong vắt chảy rào rào suốt ngày, tuần hoàn cho hàng chục vuông nuôi. Đủ các thế hệ cá tầm, từ những chú mới sinh bé bằng đầu bút chì đến những “cụ” cá 5 năm tuổi, nặng vài ba yến.

Hỏi chuyện một người dân bên trại cá, chị cười tít mắt, nói: “Ông này áo trắng cổ cồn mà còn hay lam hay làm hơn nông dân tụi tôi”. Nghĩ bụng chắc bà chị ưu ái ông chủ đẹp trai mà khen quá, nhưng chứng kiến một ngày của Nguyễn Trọng Cử tại trại cá, tôi thực sự kinh ngạc. Ăn cơm Tây 30 năm mà ông anh không một chụt “bơ sữa”. Sáng về đến trại, tấp chiếc BMW 745 vào bờ rào là xắn quần, xắn áo lăn xả vào việc nhà nông, sát sao từng ly, từng tý.

Quang, kỹ sư thủy sản làm việc tại trại cá giống được 3 năm nay nói: “Không biết ông Cử tự học lúc nào, nhưng có nhiều việc tụi em còn phải học ông”. Cá nước lạnh (như cá tầm, cá hồi) vốn được nuôi tại “xứ Tây” nên đưa được về xứ mình là một kỳ tích của ngành thủy sản; trong đó có công không nhỏ của Nguyễn Trọng Cử.

Tiên phong mở nghề

Duyên nuôi cá của ông Cử khởi phát từ một tư duy ham hiểu biết, luôn vận động, thích ứng với cái mới và ưa mạo hiểm. Từ một kết quả nghiên cứu khoa học vốn chẳn mấy người ngoài ngành biết đến, khẳng định, cá hồi, cá tầm có thể nuôi và phát triển được ở Việt Nam, Nguyễn Trọng Cử đã chớp lấy và dấn thân để biến thành hiện thực. Tác giả của công trình nghiên cứu này là Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng  Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, người đến nay ông Cử vẫn luôn trân trọng, gọi bằng Thầy.

Đầu tư vào lĩnh vực này khá tốn kém, cả về tài chính lẫn công sức. Thường 1 kg trứng cá tầm giống có giá khoảng 150 triệu đồng. Theo đó, tổng mức đầu tư cho nuôi trồng cũng phải tốn kém hàng chục tỷ. Cho nên, nếu không có lòng đam mê thì không mấy người dám đeo đuổi.

Thế rồi, Nguyễn Trọng Cử đi đến các trang trại nuôi cá tầm ở Đức và các nước châu Âu để tìm hiểu và học hỏi về nghề nuôi cá tầm. Lại nhờ cơ duyên, anh gặp được ông Udo Gross, chủ một trang trại cá tầm người Đức. Công ty gia đình Rhoenforelle của ông có truyền thống nuôi cá hồi và cá tầm 130 năm. Udo Gross đã theo Nguyễn Trọng Cử về Việt Nam và truyền nghề. Đồng thời, Rhoenforelle cũng trở thành nhà cung cấp giống cho công ty của Nguyễn Trọng Cử.

Về Việt Nam, được sự giúp đỡ Tổng cục Thủy sản và CITES (Cơ quan Quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), Nguyễn Trọng Cử và cộng sự tự tin bắt tay thực hiện.

Trong quá trình nhập khẩu trứng cá hồi, cá tầm về Việt Nam, khó khăn lớn nhất ở khâu thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian. Để đưa được 1 kg trứng về nước, trước hết phải phối hợp với đối tác Đức rất chặt chẽ về thời gian thụ tinh để chuẩn bị chu đáo cho việc tiếp nhận trứng. Song song đó, phải có giấy phép nhập khẩu do Tổng cục Thủy sản cấp, sau đó có kiểm tra của CITES Đức, CITES Việt Nam, giấy phép kiểm dịch ở Đức, Việt Nam, tiếp nữa là tiến hành thủ tục thông quan nhanh chóng, nếu không trứng sẽ hỏng, thiệt hại lớn. Đồng thời, từ sân bay Nội Bài về Sa Pa cũng là một hành trình đầy nguy hiểm, nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, trải bao khó khăn vất vả, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc ấp nở và ươm hai giống cá tầm Nga, bằng nguồn trứng nhập khẩu tại Sa Pa (Lào Cai), mở ra triển vọng nuôi thủy sản chất lượng cao trên núi. Nối tiếp thành công đó, năm 2011, Nguyễn Trọng Cử quyết định tiếp tục triển khai dự án nuôi cá tầm tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Sứ mệnh đẩy lùi cá lậu

Nay thì cá giống của Nguyễn Trọng Cử đã trở thành lựa chọn số một dối với người nuôi cá, không chỉ tại miền Bắc. Từ Sa Pa và Tam Đảo, cá tầm “made by Trọng Cử” đã phiêu lưu lên tận Tam Đường (Lai Châu) với “người đương thời” Trần Yên, hay vào tận Đà Lạt với Hiệp hội những người nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng…

Không chỉ cung cấp cá giống, Công ty Việt Đức của Nguyễn Trọng Cử còn kinh doanh luôn cả cá thương phẩm, chấp nhận cuộc chiến một mất một còn với cá tầm Trung Quốc nhập lậu, giá nhiều khi chỉ rẻ bằng phân nửa. Trong khi đó, như PLVN từng phản ánh, theo nhận định của ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES, cá tầm nhập lậu vào Việt Nam nguy hiểm đối với sức khỏe không khác gì gà thải loại.

“Khi bắt đầu nuôi cá, tôi nghĩ chỉ phải đương đầu với vấn đề công nghệ,  không ngờ nay lại phải đối đầu với những chiêu trò cạnh tranh từ bọn buôn lậu” – Cử tâm sự. Nhiều khi quá mệt mỏi, cô đơn trong “cuộc chiến”, anh và nhiều bạn nuôi cá chân chính đã tính buông súng đầu hàng. Nhưng không chỉ là câu chuyện vốn liếng, tiền nong, mà chính lòng tự trọng, tình yêu nước, đã thôi thúc các anh tiếp tục chiến đấu để đẩy lùi cá lậu.

Nung nấu suy nghĩ đó, đầu năm 2013, Nguyễn Trọng Cử quyết định tiếp tục đầu tư hàng tỷ đồng mở thêm Nhà hàng Thác Bạc - Sa Pa tại 44 Nguyễn Thị Định, ngay giữa khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính của Thủ đô nhằm quảng bá thương hiệu cá nội, hình thành một “điểm đến” cho thực khách yêu cá tầm, cá hồi, nơi họ có thể thưởng thức cá hồi, cá tầm tươi sống “chính chủ” và yên tâm về xuất xứ.

Trần Yên – người nuôi cá và trồng rừng tại Tam Đường, chủ trại cá đã viết “tâm thư’ xôn xao dư luận thỉnh cầu Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát ra tay triệt phá nạn “rửa” cá tầm Trung Quốc nhập lậu, chia sẻ: “Cử là người quyết liệt mà cũng tín nghĩa. Chúng tôi rất yên tâm khi đứng bên nhau cùng chiến hào”.

hà hương Báo Pháp Luật