TIN THỦY SẢN

Cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban Điều phối Kế hoạch hành động khu vực về thúc đẩy nghề cá có trách nhiệm và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp tại Brunei

Duyên Hải

Từ ngày 17-19/11/2015, tại Brunei, Ủy ban Điều phối Kế hoạch hành động khu vực về thúc đẩy nghề cá có trách nhiệm và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (RPOA-IUU) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 8, đoàn công tác của Việt Nam do Đại diện Vụ Khai thác thủy sản và Vụ Khoa học, công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tham dự.

Cuộc họp thường niên lần thứ 8 của Ủy ban Điều phối Kế hoạch RPOA-IUU được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch RPOA-IUU giai đoạn 2014-2015 của các nước thành viên và xây dựng kế hoạch thực hiện RPOA-IUU giai đoạn 2015-2016. Cuộc họp lần này với sự tham dự của hơn 80 đại biểu đại diện cho 9/11 quốc gia là thành viên của RPOA-IUU:Australia, Brunei, Cambodia, Indonesia (bao gồm cả Tổ công tác chống khai thác bất hợp pháp – IUU Task Force), Malaysia, Philippine, Singapore, Thailand và Việt Nam (Đông Timo và Papua New Guine không tham dự);Đại diện các tổ chức liên quan: Ban Thư ký RPOA-IUU, Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), Ủy ban Nghề cá Châu Á – Thái Bình Dương (FAO-APFIC), Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Châu Á (USAID-Asia), Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA), Dự án Đối tác chiến lược về Đại dương và Nghề cá của Mỹ (US Oceans and Fisheries), Ủy ban Bảo vệ nguồn lợi biển Nam cực (CCAMLR).

Cuộc họp lần này tập trung vào 3 nội dung chính: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 2014-2015; Xây dựng kế hoạch thực hiện 2015-2016 và Khảo sát thực địa quản lý nghề cá của Brunei.

Đại diện 09 quốc gia thành viên RPOA-IUU trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch 2014-2015 tại quốc gia mình theo các nội dung đã được thống nhất tại Cuộc họp lần 7 của Ủy ban điều phối RPOA-IUU và đề xuất kế hoạch thực hiện 2015-2016. Trong đó, các quốc gia đã đánh giá được các kết quả triển khai các qui định về nghề cá có trách nhiệm và các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp. Các quốc gia đều chưa thành lập và công bố Danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp (trừ Australia). Indonesia đã thống kê được số lượt tàu cá nước ngoài khai thác bất hợp pháp trên vùng biển đặc quyền kinh tế của họ.

Ngoài ra, đại diện các tổ chức nghề cá tham dự cuộc họp cũng đã có báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động liên quan đến việc thúc đẩy thực hiện qui định nghề cá có trách nhiệm và chống khai thác bất hợp pháp. Đại diện SEAFDEC đã trình kết quả triển khai các hoạt động liên quan như: điều phối xây dựng Kế hoạch khu vực quản lý năng lực khai thác (RPOA-Capacity), đánh giá nguồn lợi hải sản và nghề cá tại một số vùng nước trong khu vực, phát triển dự thảo Hệ thống chứng nhận thủy sản khu vực Đông Nam Á…; đại diện USAID-Asia giới thiệu về dự án hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và chống IUU tại khu vực Đông Nam Á; đại diện CCAMLR trình bày về chính sách quản lý nguồn lợi hải sản vùng biển Nam cực….

Tại cuộc họp,kế hoạch thực hiện RPOA-IUU trong khu vực giai đoạn 2015-2016 đã được thảo luận và đi đến thống nhất với một số nội dung cơ bản sau: 1) Hiện trạng nguồn lợi và nghề cá trong khuc vực; 2) Thực hiện các biện pháp khu vực và quốc tế; 3) Vai trò của các tổ chức khu vực và đa phương; 4) Trách nhiệm của các quốc gia ven biển; 5) Trách nhiệm của quốc gia có cờ; 6) Các giải pháp về quốc gia có cảng; 7) Các giải pháp về thị trường khu vực; 8) Xây dựng năng lực khu vực; 9) Tăng cường hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát (MCS); 10) Chuyển tải trên biển;11) Chia sẻ dữ liệu về đánh giá hiện trạng nguồn lợi và nghề cá giữa các quốc gia tham gia; 12) Cập nhật và chia sẻ dữ liệu về danh sách tàu cá theo tiêu chuẩn của FAO (Vessel Global Record) và khu vực Đông Nam Á (Regional Fishing Vessel Record); 13) Cập nhật và công bố Đại diện quốc gia để điều phối và triển khai các hoạt động liên quả của RPOA-IUU; 14) Qui định về điều kiện làm việc và quyền con người trên tàu cá;15) Triển khai thực hiện.

Đoàn Việt Nam đã có ý kiến tại Cuộc họp với một số nội dung: 1) Tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá nguồn lợi và nghề cá ở các vùng biển trong khu vực; 2) Thống nhất các biện pháp thúc đẩy nghề cá có trách nhiệm, bảo vệ nguồn lợi và chống khai thác bất hợp pháp theo qui định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Tránh hình sự hóa các hành vi khai thác thủy sản, kêu gọi các quốc gia áp dụng các biện pháp thiếu trách nhiệm, thô bạo đối với ngư dân hoạt động khai thác trên các vùng biển; 3) Đẩy mạnh công tác nâng cao năng lực quản lý nghề cá các quốc gia thành viên và tổ chức nghề cá khu vực thông qua việc biên soạn các tài liệu kỹ thuật, hội thảo, tập huấn,…4) Kiện toàn bộ máy kiểm soát khai thác bất hợp pháp tại các quốc gia thành viên và Ban Thư ký RPOA-IUU; 5) Đề nghị Ban Thư ký RPOA-IUU đề nghị các các quốc gia thành viên công bố công khai các qui định về quản lý tàu cá nước ngoài khi tham gia hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của mình; 6) Kiến nghị các quốc gia thành viên chủ động đàm phán hợp tác nghề cá song phương/ đa phương; thành lập kênh liên lạc thường xuyên, đường dây nóng (hotline) để phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của tàu cá trên các vùng biển.

Ngoài ra, đoàn Việt Nam cũng đã trao đổi bên lề Cuộc họp với đại diện các quốc gia và tổ chức nghề cá quốc tế như sau:

- Với Indonesia: Đề nghị phía bạn thúc đẩy quá trình đàm phám hợp tác nghề cá song phương và thành lập đường dây nóng để xử lý các vấn đề khai thác hải sản trên biển;

- Với Brunei: Đề nghị phía bạn tiếp tục duy trì cơ chế hợp tác như hiện nay và thúc đẩy kế hoạch đưa tàu cá Việt Nam sang khai thác ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Brunei;

- Với Thái Lan: Đề nghị thúc đẩy các kế hoạch hợp tác song phương để xử lý hài hòa, có trách nhiệm với tàu cá hai nước. Thúc đẩy hợp tác với Bộ Ngoại giao và Tổng cục Thủy sản Thái Lan triển khai dự án tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Kiên Giang và Cà Mau;

- Với CCAMLR: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nghề cá cho các cơ quan chức năng của Việt Nam và phối hợp quản lý nhập khẩu sản phẩm cá Răng Cưa (Toothfish) khai thác ở vùng biển Nam cực;

- Với USAID-Asia: Đề nghị tổ chức này lựa chọn Việt Nam là một điểm triển khai thí điểm phương thức truy xuất nguồn gốc điện tử đối với thủy sản khai thác.

Trong khuôn khổ cuộc họp các đại biểu tham dự đã được đến các tụ điểm nghề cá: cảng cá, chợ cá của Brunei để khảo sát, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý nghề cá của Brunei.

Cuộc họp lần thứ 9 của Ủy ban Điều phối dự kiến được tổ chức vào quý IV năm 2016 tại Căm-pu-chia, nhưng đại diện nước này đã từ chối do không bố trí được nguồn lực. Cuộc họp đã thống nhất đề nghị Ban Thư ký RPOA-IUU gửi thư cho Chính phủ các nước: Thái Lan, Đông Timo và Papua New Guinea xem xét việc đăng cai tổ chức cuộc họp lần thứ 9.

Duyên Hải Fistenet, 10/12/2015