TIN THỦY SẢN

Cuộc lội ngược dòng của thực phẩm Sao Ta

Minh Phương

Chọn cách đầu tư có chiều sâu từ cơ sở hạ tầng cho đến sản phẩm, Công ty Thực phẩm Sao Ta đã hưởng lợi lớn với kết quả kinh doanh rất khả quan.

Đứng trước những khó khăn chung cả về khách quan và chủ quan của xuất khẩu tôm Việt Nam, Công ty Thực phẩm Sao Ta nhờ biết tận dụng lợi thế về chế biến sản phẩm, kiểm soát chất lượng sản phẩm khá tốt và có cổ đông lớn để thêm ưu thế về nguồn vốn… nên trở thành một trong số ít những doanh nghiệp “lội ngược dòng” thành công – có lãi ròng tăng mạnh trong thời điểm con tôm Việt đang mất thế trên thị trường quốc tế.

Lội ngược dòng

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xuất khẩu tôm sang 3 thị trường chính đều giảm mạnh như: Mỹ giảm 41%, Nhật Bản giảm 20,8% và EU giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng trong bối cảnh chung đầy bất lợi của ngành tôm, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã CK: FMC) là doanh nghiệp hiếm hoi lội ngược dòng khi lũy kế quý III/2015 đạt doanh thu thuần 2.087 tỷ đồng (giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái), tuy nhiên lãi ròng lại tăng mạnh đến 94% và đạt con số là 76,9 tỷ đồng. FMC chủ yếu tận dụng lợi thế nhập khẩu nguyên liệu tôm với giá rẻ hơn từ các nước Thái Lan, Ấn Độ và khác với nhiều doanh nghiệp khi chỉ tập trung xuất khẩu sản phẩm tôm công nghiệp đông lạnh thì FMC hướng đến xuất khẩu sản phẩm tôm chế biến đem lại nhiều giá trị gia tăng. Theo tính toán của FMC, nếu tôm công nghiệp đông lạnh chỉ có biên lợi nhuận vào khoảng 5% thì các sản phẩm chế biến như: tôm bao bột, tôm duỗi, tôm hấp chín… có lợi nhuận biên từ 9-33% và không bị ép giá. Ngoài ra, FMC đã xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm khá tốt, vượt qua được các quy định của phía Nhật và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào thị trường này, chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu (năm 2014, Việt Nam xuất khẩu tôm vào thị trường này là 743 triệu USD). Mặt khác, xét về cơ cấu sản phẩm, mặt hàng chủ lực của FMC tại Nhật là tôm duỗi và tôm bao bột, với tỷ trọng hơn 50% và có lợi nhuận biên khá cao, lần lượt là 33% và 9%. Tại thị trường Hoa Kỳ, FMC hưởng mức thuế chống bán phá giá bằng 0% trong khi các doanh nghiệp cùng ngành phải chịu sự bất lợi về mức thuế này như Minh Phú 1,39%, Thuận Phước 1,5% và 0,91% đối với các doanh nghiệp còn lại, do đó thị phần của FMC tại thị trường xuất khẩu này vẫn khá khả quan, chiếm 35% tổng doanh số. Thêm thuận lợi nữa là với sự gia nhập của cổ đông lớn là HVG, FMC có thêm ưu thế từ nguồn vốn, quản trị, thị trường. Bằng chứng là ngay trong quý đầu tiên, quý III/2015, khi HVG nâng sở hữu tại FMC lên 53,5%, lập tức lãi ròng của FMC thay đổi đáng kể đạt mức 44 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 15 tỷ đồng của quý trước đó.

Chờ cơ tăng tốc

Về triển vọng kinh doanh, FMC đang là doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ các hiệp định TPP và FTA. Cụ thể hơn tại thị trường Mỹ, tôm Việt Nam sẽ không bị kiện thuế chống trợ cấp, nhưng Luật Chống bán phá giá lại không bị điều chỉnh bởi TPP. Tại thị trường Nhật, sau khi TPP được ký kết, thuế nhập khẩu tôm đã giảm còn 0% so với mức 6,4 -7,2% trước đây. Trong cơ cấu doanh thu, Nhật Bản và Mỹ lần lượt là những thị trường tiêu thụ lớn của FMC với đóng góp gần 80% doanh số.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC cho biết, cơ cấu thị trường của công ty luôn linh hoạt theo tình hình. FMC có bán tôm tới 5 thị trường trong TPP gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, Singapore, trong đó Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai thị trường chính. Tuy nhiên, hiện tại FMC đang chuyển hướng cơ cấu lại trên cơ sở tận dụng ưu thế chung của Việt Nam. Với thị trường tôm cao cấp EU, thời gian qua Thái Lan chiếm lĩnh. Nhưng từ năm 2015, Thái Lan hết ưu đãi thuế quan trong khi con tôm Việt Nam có ưu thế hơn vì còn ưu đãi này. Qua năm 2016, FTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm Việt Nam vào EU bằng 0, trong khi tôm Thái Lan vẫn còn hơn 10%. Cho nên FMC đang tăng cường hàng bán vào EU. Ở thời điểm 9 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ xuất khẩu tôm của FMC vào EU đã là 13% so với 7% cùng kỳ năm trước.

Với lợi thế này, FMC định hướng, thâm nhập mạnh vào các hệ thống phân phối cao cấp tại EU như Anh, Đức, Áo, Bỉ. Song song đó, FMC đã xây dựng riêng vùng nuôi với mô hình nuôi ao nhỏ bạt đáy, nuôi dầy thu tôm nhỏ để tiêu thụ ở các hệ thống phân phối khối EU. Các ao bạt đáy sẽ kiểm soát được chất thải đáy ao, hạn chế vi khuẩn có hại bùng phát khỏi cải tạo sau mỗi đợt thu hoạch, giảm chi phí và rút ngắn thời gian quay vòng để nuôi 3 vụ mỗi năm. Nhờ FTA, tại thị trường Hàn Quốc, tôm Việt Nam cũng đạt mức thuế 0% nhập khẩu vào thị trường này. FMC cũng sẽ tăng cường bán hàng vào Hàn Quốc nhờ vào lợi thế này và mở rộng sang thị trường Canada, do không bị kiện chống bán phá giá.

Theo ông Lực, chiến lược của FMC sẽ là đa dạng hóa sản phẩm chế biến tôm xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, hết sức chú trọng về chiều sâu, các mặt hàng tinh chế nhằm tăng thế mạnh cạnh tranh về doanh số, lợi nhuận.

Minh Phương Diễn Đàn Doanh Nghiệp, 21/01/2016