“Cứu tinh” của các loài cá quý
Những loài cá quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam tưởng chừng như tuyệt tích trên dòng Mê Kông nay được tái sinh nhờ “bàn tay” của kỹ sư Thi Thanh Vinh, cán bộ Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ.
Gian nan tìm cá quý
Hơn 40 năm về trước, chuyện ngư dân miền Tây bủa lưới bắt được các loài cá khổng lồ nặng hàng trăm kí như cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ… là chuyện thường. Nhưng từ thập niên 80 trở lại đây, những loài cá khủng này gần như “bốc hơi” trên các con sông miền Tây. Thi thoảng một vài ngư dân may mắn mới bắt dính được cá to. Tới năm 1996, tên các loài cá vồ cờ, cá hô đã xuất hiện trong sách đỏ Việt Nam nhằm cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng cao.
Năm 1991, kỹ sư Thi Thanh Vinh được nhận vào công tác tại Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (Trung tâm) và bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu cá hô. Mục đích của anh là cho sinh sản nhân tạo loài cá được mệnh danh là “cá vua” trên sông Mê Kông. Nhưng cái khó là tìm tung tích cá hô như mò kim đáy bể. Mỗi khi hay tin có người bắt được cá hô là Vinh và các đồng nghiệp nôn nả tới tìm, nhưng khi tới nơi thì cá thường đã bị xẻ thịt bán.
Mọi cố gắng tưởng chừng như thất bại thì không lâu sau nhóm của Vinh bỗng nhận được nguồn tin quan trọng: một hộ chơi cá kiểng ở H.Cái Bè (Tiền Giang) có nuôi được cặp cá hô đất trong ao. Vui mừng khôn xiết, Vinh tìm cách tiếp cận mua cá về nghiên cứu nhưng bị chủ cá cự tuyệt. Nhóm của anh phải theo đuổi, năn nỉ, thuyết phục mãi chủ cá mới xiêu lòng. Bằng quyết tâm của người làm khoa học, Vinh và đồng nghiệp đã đưa 40 cặp cá hô từ ao nuôi về bể nghiên cứu.
Trước đó, không ít người từng cho cá hô sinh sản nhân tạo nhưng không thành công. Vinh cũng không là ngoại lệ. Vừa bắt tay vào nghiên cứu, anh đã gặp phải sự “phản kháng” của cá, như: bỏ ăn, cá cái ôm trứng không chịu đẻ… Lần hồi, Vinh phát hiện tập tính sinh sống, nhu cầu thức ăn… của cá hô. Khi đã hiểu cá, việc thuần dưỡng cho cá đẻ mới bắt đầu nhẹ nhàng. Năm 2008, Vinh đã bảo vệ xuất sắc đề tài thạc sĩ “Một số đặc điểm sinh học và thử nghiệm nghiên cứu sinh sản cá hô”.
Bảo tồn cá nước ngọt
Từ khi nắm được đặc điểm của cá hô, Vinh và các cán bộ trung tâm đã lai tạo hàng trăm ngàn con cá hô giống cung ứng cho thị trường. Người dân các tỉnh miền Tây háo hức nuôi cá hô thương phẩm vì thịt thơm ngon, giá bán cao so với các loài cá nước ngọt khác. Năm 2010, Trung tâm phối hợp với nhiều nơi thả cá hô con về sông Tiền để tái tạo loài cá tự nhiên này.
Cá trà sóc đã được nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công
Xong bài toán cá hô, Vinh lại báo cáo thực hiện tiếp đề tài nghiên cứu “Thuần dưỡng, tái tạo và phát triển cá trà sóc”, một loài cá cũng có tên trong sách đỏ Việt Nam. Kinh nghiệm trước đó đã giúp cho Vinh bớt vất vả hơn trong việc tìm nguồn cá trà sóc. Hơn 78 con cá trà sóc đang tản lạc trong ao nuôi đã được Vinh đem về nuôi và cho sinh sản. Đến năm 2011, tên cá trà sóc và cá hô được chỉnh sửa lại trong sách đỏ vì chúng đã được sinh sản nhân tạo thành công.
Vinh tâm sự trong các loài cá quý, cực nhất là truy tìm cá vồ cờ, loài cá có vây lưng cao vút như cây cờ, mỗi khi bơi vây rẽ nước nhìn như cá mập. Để tìm được loài cá bí ẩn này, Vinh đã đặt đầu mối nhiều nơi, nhưng anh thường nhận được nhiều tin… vịt hơn tin chính xác. Có khi biết tin, đến tận nơi thì cá vồ cờ đã chết. Bởi vậy 6 năm qua, anh chỉ thu thập được 10 con cá vồ cờ. “Khi nghiên cứu sinh sản thành công, Trung tâm sẽ thả cá con về tự nhiên để bảo tồn. Nhưng vấn đề ở đây là lượng cá vồ cờ rất ít, nên không thể cho sinh sản được. Hiện tượng cận huyết quá cao sẽ làm chúng suy thoái”, Vinh nói.
Vinh cho biết điều anh ray rứt nhất là chuyện ngư dân bắt được các loài cá to đã vội vàng cân bán cho lái. Một con cá hô nặng hàng trăm kí vẫn còn nhiều điều bí ẩn vì cho đến nay, không ai biết chúng sống bao nhiêu năm mới đạt trọng lượng như thế hay cách chúng sống thế nào… Những cá thể quý hiếm ấy rất cần được bảo tồn để phục vụ nghiên cứu.