TIN THỦY SẢN

Đa dạng trong hình thức nuôi tôm càng xanh

Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại hộ ông Trương Hoằng, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh Thùy Trang

Năm 2018, 2019, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã đưa giống tôm càng xanh về nuôi thử nghiệm với nhiều hình thức như nuôi bán thâm canh trong ao đất, nuôi trên đất lúa chuyển đổi vùng nhiễm mặn trồng lúa kém hiệu quả. Qua những mô hình trên đã khẳng định được tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Để khẳng định thêm hiệu quả từ nuôi tôm càng xanh, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư triển khai mô hình thử nghiệm nuôi xen tôm càng xanh trong ruộng lúa tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh với mục đích đa dạng hình thức nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.

Ông Trương Hoằng, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, chủ hộ mô hình cho biết, gia đình ông nuôi tôm càng xanh đến nay đã được 3 năm. Những năm trước, ông nuôi theo hình thức bán thâm canh. Năm nay, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư lựa chọn gia đình ông làm mô hình thử nghiệm nuôi xen tôm càng xanh trong ruộng lúa với quy mô 1,6 ha. Đến nay, gia đình ông đã thu tỉa và thấy rõ được hiệu quả mà mô hình mang lại.

Giống tôm càng xanh toàn đực được mua tại Viện nghiên cứu NTTS II, tôm giống khi thả có kích cỡ đạt yêu cầu, bơi lội khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng. Sau hơn 5 tháng nuôi, mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện tôm đạt trọng lượng trung bình khoảng 25 – 30 con/kg, tỷ lệ sống ước đạt 50%, năng suất ước đạt khoảng 1 - 1,1 tấn/ha. Tuy nhiên do dịch Covid-19 nên giá bán thấp hơn mọi năm,  khoảng 200.000 - 210.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả các chi phí thu nhập từ tôm và lúa ước đạt khoảng trên 80 triệu đồng.

Chị Hồ Thị Thủy, Phó phòng Chuyển giao kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư cho biết: Năm nay, do nắng nóng kéo dài, nguồn nước để thay cho ao nuôi khan hiếm nên môi trường ao nuôi có nhiều biến động, đã ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Tuy vậy, cán bộ kỹ thuật đã kịp thời hướng dẫn xử lý men, bón vôi, cũng như kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường nên trọng lượng tôm đạt yêu cầu đặt ra. Để hạn chế thất thoát do mưa lũ, các hộ đã tiến hành thu hoạch dần.

Qua mô hình, cũng thấy được nuôi xen tôm càng xanh trong ruộng lúa phù hợp với đặc điểm sinh thái của tôm càng xanh. Cây lúa làm giá thể cho tôm bu bám trú ẩn khi lột xác, bổ sung thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn trong quá trình nuôi. Tôm càng xanh có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, chưa thấy dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, phù hợp với điều kiện chăm sóc của hộ nông dân nên nhiều hộ thích thú muốn mong muốn áp dụng đối tượng nuôi. Đặc biệt, với hình thức nuôi tôm kết hợp trồng lúa đã giúp hộ nuôi tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Thùy Trang TTKN Quảng Bình