TIN THỦY SẢN

Đảm bảo tôm giống tốt để vụ nuôi mới thành công

Ảnh minh họa Thành Công

Trong nuôi tôm nước lợ, giống được xem là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất quyết định sự thành bại của vụ nuôi tôm mới. Do vậy đòi hỏi nông dân phải nắm được những vấn đề kỹ thuật then chốt.

Cách chọn tôm giống tốt

Trước hết, người nuôi tôm cần tìm hiểu kỹ và chọn mua tôm giống tại các cơ sở sản xuất tôm giống có uy tín (giống tốt, ít dịch bệnh, chất lượng ổn định). Tôm giống phải có giấy chứng nhận kiểm dịch âm tính đối với các loại mầm bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi,...

Tiếp theo, cần dựa vào các phương pháp kiểm tra trực tiếp để chọn những lô tôm giống tốt. Người nuôi tôm có thể lấy mẫu tôm giống từ đáy bể cho vào chén và khuấy nước chảy theo dòng, nếu tôm tập trung ở giữa chén là tôm yếu không nên chọn mua, do tôm có đặc tính bơi ngược dòng nước.

Cũng có thể dùng phương pháp kiểm tra sốc độ mặn bằng cách lấy lấy 40-50 con tôm giống cho vào cốc thủy sản tinh chứa 300ml nước lấy bể tôm giống. Hạ độ mặn đột ngột xuống còn 15 phần ngàn và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống 100% là đạt yêu cầu. Hoặc dùng phương pháp sốc formol bằng cách thả 40-50 tôm giống vào cốc thủy tinh đựng dung dịch formalin nồng độ 100 ppm và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống 100% là đạt yêu cầu.

Quan sát, chọn lựa các lô tôm giống có kích cỡ đồng đều; tôm giống có phản ứng búng ngược và phản xạ nhanh khi búng tay vào thành bể tôm giống; tôm sú có kích cỡ từ PL 15 và tôm thẻ chân trắng từ PL 12 trở lên. Trong trường hợp có kính lúp, lấy ngẫu nhiên mẫu tôm khoảng 15 con quan sát; nếu thấy gan tụy, ruột nhỏ, không có thức ăn hoặc thấy có sinh vật bám vào thân tôm gây bẩn hoặc có tôm bị đứt râu, gãy chân,... thì không chọn lô tôm giống đó.

Cuối cùng, người nuôi tôm cần lấy mẫu tôm giống khoảng 60 con tôm giống cùng bể giống, bỏ vào túi nhựa có bơm oxy và mang tới phòng thí nghiệm để kiểm tra mầm bệnh đốm trắng, đầu vàng và bệnh còi, đồng thời cử người nhà canh giữ lô tôm giống đó phòng ngừa cơ sở đánh tráo bằng lô tôm khác; nếu kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu tôm âm tính với các mầm bệnh nguy hiểm thì chọn mua lô tôm giống đó.

Vận chuyển tôm giống đúng cách

Sau khi đã chọn được lô tôm giống tốt, người nuôi tôm cần đo độ mặn ao nuôi tôm chuẩn bị thả giống và báo với cơ sở sản xuất giống biết trước 2-3 ngày để có biện pháp thuần độ mặn tôm giống phù hợp với nước ao tôm thả nuôi (chênh lệch không quá 5%). Không nên vận chuyển tôm giống ngay khi vừa thuần độ mặn do tôm sẽ lột xác nhiều lần trong bao, tỷ lệ hao hụt cao. Khi lợ hóa xuống thấp hơn 15‰, nên thực hiện trước lúc vận chuyển 3 ngày, độ tuổi PL15 trở lên.

Tôm giống được vận chuyển bằng túi nilon có bơm ôxy, sử dụng xe bảo ôn nếu vận chuyển đi xa trên 6 giờ. Trong bao vận chuyển tôm nên cho Nauplius artemia mật độ 4-5 con/ml làm thức ăn cho tôm, tránh tôm ăn thịt lẫn nhau khi lột xác, giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình vận chuyển.

Mật độ tôm trong bao vận chuyển tới ao nuôi phụ thuộc vào thời gian vận chuyển. Nếu thời gian vận chuyển ngắn thì mật độ vận chuyển có thể cao, nếu thời gian vận chuyển dài nên giảm mật độ thấp hơn. Dung tích bao vận chuyển đảm bảo giữa nước và oxy có tỷ lệ là 1:1 hay 1:2. Hiện nay các trại sản xuất giống lợ hóa thấp nhất 5-7‰...

Thả giống đúng kỹ thuật

Người nuôi tôm cần chạy quạt nước từ đêm hôm trước đến sáng sớm hôm sau, để đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước đạt >5mg/l, sau đó tắt quạt và tiến hành thả tôm giống. Thời gian thả nuôi tốt nhất vào 6-8 giờ sáng hay 4-6 giờ chiều, không thả lúc trời mưa, lúc điều kiện môi trường ao nuôi chưa phù hợp. Chọn đầu hướng gió để thả tôm giúp tôm phân tán khắp ao và tránh làm đục nước ở khu vực thả giống.

Nếu độ mặn của nước trong bao tôm giống và ao nuôi chênh lệch không quá 5‰ thì chỉ cần thả các bọc tôm nổi trên mặt nước ao nuôi trong khoảng 10-15 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bọc, sau đó mở bọc cho tôm bơi ra từ từ. Trường hợp độ mặn chênh lệch lớn hơn 5‰, cần cho tôm giống vào các thau lớn có sục khí, sau đó cho thêm nước ao vào thau từ từ để tôm thích nghi dần độ mặn của nước ao và các yếu tố môi trường khác. Thời gian thuần khoảng 30-40 phút, sau đó nghiêng thau cho tôm bơi ra từ từ.

Nếu có điều kiện, thực hiện ương/gièo thêm khoảng 1 tháng trong các bể, ao có diện tích nhỏ, có mái che, hoặc có thể ương/gièo trong giai bằng vải bạt, đáy bằng lưới cước, có mái che đặt ngay trong ao nuôi, đáy giai cách đáy ao 20 cm, trong giai có đặt máy sục khí.

Thành Công Tiengiang, 13/03/2014