Đậm đà với mắm cá rô không xương
Về An Giang có mắm cá linh, tới Trà Vinh có mắm bò hóc của người Khmer thì Sóc Trăng có mắm cá rô không xương, được làm tại thị xã Ngã Năm – vùng đất trũng với lượng cá đồng dồi dào.
Mùa làm mắm ở Ngã Năm thường bắt đầu vào mùa nước nổi tháng 8 âm lịch, đến tháng 11 khi con nước rút dần, lượng cá không còn nhiều, người dân chuẩn bị vào vụ lúa mới cũng là lúc kết thúc mùa làm mắm cá rô không xương. Bà Mai Thị Thôi, chủ cơ sở sản xuất mắm các loại, chia sẻ:“Hồi nhỏ, mẹ tôi thường làm mắm để dành ăn khi trên đồng khô hạn không còn cá tươi. Lúc mẹ làm tôi cũng có để ý và làm phụ nên biết cách làm. Hồi đó làm mắm cá lòng tong, cá sặc, cá rô… xương cá mềm có thể ăn được cả xương. Giờ tôi cũng làm theo cách truyền thống đó”.
Còn bà Lê Thị Hồng Xuân, chủ cơ sở sản xuất mắm Cô Xuân, cho biết: “Cá rô sau khi làm sạch để ráo khoảng 15 phút rồi đem đi muối cho vào thùng khoảng 10 ngày sau mới thính chao để từ 1 đến 2 tháng. Khi kiểm tra thấy xương cá rệu thì đem mắm ra ướp đường, tỏi, ớt, riềng cho vừa ăn rồi vô keo”.
Cá Rô sau thời gian ủ mềm xương được đưa ra ướp nước đường và gia vị.
Cũng như nhiều loại mắm khác ở miền Tây, mắm cá rô không xương được làm từ cá rô đồng và khi thành phẩm cho ra đúng với tên gọi của nó là không xương, vì xương cá đã rệu đi trong quá trình ướp gia vị, rượu và ủ trong vài tháng. Mỗi năm, một cơ sở làm mắm cá rô ở Ngã Năm làm đến vài tấn mắm, nhưng do nguồn cá rô đồng tại địa phương ngày một ít dần, để có cá làm mắm phải đi mua ở các địa phương lân cận và mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Lê Hoàng Khương, Phó Phòng Kinh tế thị xã, cho biết: “Thủy sản nước ngọt ở Ngã Năm khá phong phú với cá rô, cá lóc, cá trê… Nhờ đó mà bà con duy trì và phát huy được nghề truyền thống này, cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Mắm cá rô không xương là đặc sản của vùng đất Ngã Năm, được nhiều người biết đến và ưa thích, là món ăn dân dã của người dân Nam bộ. Những ngày trời mưa, bữa cơm gia đình với mắm cá rô không xương thật ấm áp hương vị quê nhà!