TIN THỦY SẢN

Đầm Hà sẽ thành trung tâm thủy sản

Nuôi tôm Quảng Ninh. Ảnh: Internet Việt Quảng

Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh uỷ Quảng Ninh về phát triển kinh tế thuỷ sản tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: “Đầm Hà sẽ tập trung phát triển trở thành trung tâm sản xuất giống thuỷ sản của tỉnh...”.

Theo kế hoạch, năm nay huyện Đầm Hà sẽ thả nuôi 1.180ha thuỷ sản các loại (nước mặn, lợ 1.000ha, nước ngọt 100ha, lồng bè 80ha); sản lượng 6.300 tấn thuỷ sản các loại (nuôi mặn, lợ 5.470 tấn gồm tôm 3.270 tấn, nhuyễn thể 1.800 tấn, cá biển 400 tấn...; còn lại là nuôi nước ngọt, lồng bè).

Để thu hút đầu tư vào thuỷ sản, Huyện uỷ Đầm Hà đã ban hành chương trình hành động số 35 về phát triển kinh tế thuỷ sản huyện đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, huyện triển khai quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 2.300ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó 1.000ha nuôi tôm.

Cùng với quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, huyện tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, cải cách hành chính, cung cấp thông tin pháp lý và các chính sách thu hút đầu tư để phát triển thuỷ sản.

Đến nay, huyện đã thu hút được nhiều dự án thuỷ sản lớn, như Trung tâm SX giống công nghệ cao và nuôi trồng thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh của Tập đoàn BIM, quy mô 125ha, tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng; Vùng nuôi trồng thuỷ sản của Bộ NN-PTNT, tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng…

Đặc biệt, Dự án Khu phức hợp SX tôm chất lượng cao do Tập đoàn Việt - Úc, đối tác chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, làm chủ đầu tư, đã chính thức được xây dựng tại xã Tân Lập, tổng diện tích hơn 300ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được xác định là điểm nhấn cho phát triển ngành SX tôm công nghệ cao của Quảng Ninh.

Dự án bao gồm các hạng mục như khu SX giống quy mô 8 tỷ con giống/năm; khu nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh, mật độ 200 - 500 con/m2, năng suất 100 - 300 tấn/ha/năm, nuôi theo công nghệ nhà màng; nhà máy chế biến để tăng giá trị con tôm; nhà máy SX thức ăn nuôi tôm. Dự án sử dụng khoảng 2.000 lao động địa phương.

Bước đầu, dự án được triển khai trên diện tích 187,8ha, mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn I xây dựng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật cơ bản, khoảng 80ha khu nuôi tôm thương phẩm số 3 và số 4 với 450 ao nuôi; khu xử lý nước thải, khu ao lắng, khu văn phòng, nhà ở, trạm điện SX, trại post, khu thu gom và xử lý rác thải. Giai đoạn II xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm số 1 và số 2 và các hạng mục còn lại.

Để đảm bảo dự án được triển khai thuận lợi, tỉnh đã đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ dự án bằng ngân sách tỉnh. Huyện Đầm Hà quyết liệt trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi nhất cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ Tập đoàn Việt - Úc, cho biết: Tập đoàn Việt - Úc là đơn vị đầu tiên, duy nhất trong nước đã SX thành công tôm giống bố mẹ chất lượng cao theo công nghệ của Úc. Mục tiêu của dự án tại huyện Đầm Hà là xây dựng khu thuần dưỡng tôm bố mẹ, SX tôm giống sạch bệnh, kháng bệnh; xây dựng khu nuôi tôm trong nhà kính SX tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, đảm bảo các tiêu chuẩn để XK đến các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, góp phần tăng nhanh kim ngạch XK thuỷ sản Quảng Ninh.

Với chương trình chia sẻ hợp tác chiến lược, Tập đoàn cam kết thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, quy mô dự án và tập trung thu hút, lan toả công nghệ, chuyển giao công nghệ nuôi tôm cho người dân vùng dự án, để phát triển nuôi tôm bền vững với mục tiêu chiến lược xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm lớn nhất miền Bắc.

Với tinh thần đó, Tập đoàn Việt Úc quyết tâm dự kiến khoảng tháng 3/2018 có được lứa giống đầu tiên để đưa ra thị trường.

Ông Lê Văn Tiễn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cho biết, hiện nay trên địa bàn ven biển của xã có 133 ha quy hoạch nuôi tôm, đến nay mới có 49 ha được thả nuôi. Bởi vì đây chỉ là định hướng quy hoạch của xã Bình Giang vì thấy hiệu quả kinh tế của nó và lợi ích của việc bảo vệ rừng, bảo vệ đê biển.

Vì vậy, xã Bình Giang đang kiến nghị về huyện Hòn Đất cho chuyển đổi mục đích từ nuôi sò, nuôi ba khía, nuôi tôm dưới tán rừng phòng hộ sang nuôi tôm công nghiệp để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và bảo vệ được diện tích rừng, chống sạt lở đê biển.

Việt Quảng NNVN