Đánh bắt cá ngừ đại dương bằng tấm lưới... vá
Nhiều năm rồi, sản phẩm cá ngừ đại dương luôn chiếm xấp xỉ 50% tỷ trọng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.
Trong đó, sản lượng cá ngừ chất lượng cao vẫn chủ yếu xuất phát từ các đội tàu xa bờ của các tỉnh Nam Trung bộ. Thế nhưng, nền công nghiệp cá ngừ đang được chính các ngư dân ví như “áo chật sắp rách” và những con cá ngừ đại dương to lớn đang được đánh bắt bằng lưới... vá!
Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên, từ đầu năm đến nay, ngư dân “thủ đô cá ngừ đại dương” Phú Yên đạt sản lượng khai thác 6.050 tấn, giá trị xuất khẩu vẫn dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên...
Đánh mất mình
Thời gian gần đây, nhiều ngư dân Nam Trung bộ du nhập kiểu câu đèn tận diệt của Trung Quốc, có nguy cơ làm mất thương hiệu cá ngừ Việt Nam. Đó là kiểu câu dùng bóng đèn cao áp (cỡ 2.500W) chiếu sáng để câu cá ngừ ngay cạnh mạn tàu. Kiểu câu này tận diệt cả cá lớn lẫn cá bé.
Loại đèn câu trên được sản xuất tại Trung Quốc, rất nóng, gây nhức mắt, đau đầu, bỏng sạm da nhiều ngư dân và giảm hẳn chất lượng cá ngừ, thịt phân huỷ rất nhanh. Giá cá ngừ câu đèn luôn chỉ bằng một nửa giá cá câu vàng (cách câu truyền thống theo kiểu rải lưỡi câu trên biển – PV). Hiện tại ở Tuy Hoà, giá cá ngừ câu vàng (loại 1) 170.000 đồng/kg, trong lúc cá ngừ câu đèn (cùng loại) chỉ 95.000 đồng/kg. Mặt khác, cá ngừ câu vàng thường đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ và Nhật, còn cá câu đèn chỉ có thể xuất sang vài nước lân cận hoặc sử dụng trong nước.
Thực tế nhiều ngư dân câu cá ngừ đại dương đã tự thấy được tác hại lâu dài của kiểu câu đèn, đặc biệt là làm mất uy tín của cá ngừ Việt Nam, nên quay về kiểu câu vàng. Song không ít chủ tàu tiếc của vì đã lỡ đầu tư bạc triệu vào kiểu câu đèn nên tiếp tục duy trì.
Hiện tại, cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Việt Nam đang có dự án nghiên cứu “Vì sao sản phẩm cá ngừ đại dương câu đèn lại kém chất lượng?”, dự kiến năm 2013 sẽ có câu trả lời. Nhưng, theo giới chuyên môn, có thể do quá trình câu đèn, vây rút mạnh nên cá vùng vẫy dữ dội, dẫn đến thịt và nội tạng giảm chất lượng.
“Thủ đô cá ngừ”… tẹp nhẹp
Cảng cá phường 6 (Tuy Hoà) được xem là “thủ đô của thủ đô” cá ngừ đại dương Việt Nam. Vậy mà diện tích, trang thiết bị, cách điều hành… hết sức luộm thuộm. Là cảng trung tâm hậu cần của nghề cá ngừ Việt Nam, tập trung hàng ngàn tàu xa bờ của nhiều tỉnh, giao thương rất nhộn nhịp nhưng cảng này như “chiếc áo chật đang sắp bung rách”.
Chiêu mộ nông dân... đánh bắt cá ngừ Những người am hiểu về nghề khai thác cá ngừ đại dương còn có nỗi lo khác, đó là sự thưa vắng ngày càng nhanh về nhân lực. Thanh niên ở làng biển hiện có nhiều nghề khác để chọn lựa hơn trước đây. Thế nên, hàng loạt chủ tàu luôn phải chạy đôn chạy đáo tìm bạn cho mỗi chuyến ra khơi. Thiếu bạn tàu nên nhiều nông dân làm ruộng, làm rẫy đã được “chiêu mộ” đi bạn đánh bắt cá ngừ đại dương. Có điều thường sau vài chuyến đánh bắt, họ lại kiếm nghề khác. |
Nhiều ngư dân nhận xét cảng này ngày càng xuống dốc khi được giao từ sở NN-PTNT Phú Yên về phòng kinh tế thành phố Tuy Hoà quản lý. Hiện tại nhiều khu vực cầu cảng bị rỗng ruột, sụp lở triền miên trong khi việc khắc phục sửa chữa chắp vá, chậm chạp… Phòng kinh tế thành phố Tuy Hoà cho biết, phương án nâng cấp Cảng cá phường 6 đã có, nhưng còn phải qua rất nhiều thủ tục, chưa biết khi nào thực hiện.
Trong khi đó, nhiều ngư dân không còn buồn nhắc đến câu chuyện giá cả thất thường của cá ngừ đại dương, bởi họ đã chấp nhận sống chung với “quy trình”. Thượng uý Nguyễn Ngọc Ry, phó trạm Kiểm soát biên phòng Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà, chia sẻ: “Bà con ngư dân làm cá ngừ rất khổ. Giá cả không khi nào ổn định, chẳng biết đường nào mà lần! Đây là cảng cá ngừ lớn nhất nước, có tám cơ sở của tư nhân đang thống lĩnh thu mua sản phẩm. Mức giá cả mỗi ngày là do họ đưa ra, không có ai can thiệp được”.
Ông Phan Thuẫn, chủ tịch nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, phân tích: lý do là các đầu nậu có vốn, họ bỏ tiền cho chủ tàu đầu tư phí tổn đi đánh bắt cá ngừ, thì họ phải có lợi và chủ tàu buộc phải bán sản phẩm cho họ, bất kể giá nào. Họ đã bắt tay với nhau thì cứ giá đó mà bán, cấm cãi. “Hầu hết, các đầu nậu đều cho vay không tính lãi (hoặc lãi thấp), nếu đi vay nóng bên ngoài (có quyền chọn nơi bán) thì lãi mẹ đẻ lãi con, dân câu cá ngừ càng tiêu… Đằng nào cũng thế!”, ông Thuẫn nói.
Để hỗ trợ ngư dân, từ nhiều năm rồi, chính quyền tỉnh Phú Yên đã có ý tưởng xây dựng một “chợ đấu giá cá ngừ đại dương”, nhằm giảm sự làm mưa làm gió của khâu trung gian xuất khẩu là các đầu nậu. Có điều đến nay ý tưởng vẫn mới chỉ là... ý tưởng thôi!