ĐBSCL: Hệ lụy thiếu nước mùa mưa, thừa nước mùa khô
Trong vài tuần tới, lượng nước trên lưu vực sông Mê Kông sẽ tăng cao trái quy luật tự nhiên. Nguyên nhân do các con đập khổng lồ ở thượng nguồn sông Mê Kông của Trung Quốc sẽ xả nước để phát điện.
Đó là nhận định của ông Alan Basist, Chủ tịch Dự án Quan sát trái đất (Eyes on Earth), đồng đứng đầu tổ chức Giám sát Đập Mê Kông và các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến “Nước ở đâu: mùa khô Mê Kông 2022”, do Trung tâm Stimson tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 15.2.
Các cú “sốc nước” sẽ phá huỷ môi trường
Các đập đã ngăn lại lượng nước lớn làm suy giảm đáng kể dòng chảy tự nhiên. Các quốc gia hạ lưu thời gian qua đã bị ảnh hưởng rất lớn. Ông Alan cho biết: Qua theo dõi dòng sông và các con đập liên tục trong khoảng hơn một năm rưỡi qua có thể thấy hiện nay vào đầu mùa khô hạn mọi thứ còn khá bình thường. Nhưng sẽ có nhiều biến động lớn vào cao điểm mùa khô. Trung Quốc có nhu cầu về nhu cầu tiêu thụ lượng điện khổng lồ. Một vài tuần tới họ sẽ xả nước ở các đập trên dòng Mê Kông để sản xuất điện. Lúc đó dòng Mê Kông sẽ đầy nước chứ không khô hạn như quy luật tự nhiên vốn có của nó.
Những kết quả quan sát và phân tích từ dự án Eyes on Earth cho thấy, trong những năm gần đây ở khu biên giới của Lào, mực nước thường tăng giảm đột ngột. Dòng chảy tự nhiên bị thay đổi hoàn toàn và tự nhiên khu vực này của dòng sông bị “sốc” nước – lúc thì cao tăng vọt, lúc thấp đột biến. Rất nhiều khu vực ở dọc biên giới của Lào nhiều lần mực nước tăng vọt lên hơn một mét sau đó rút xuống cũng rất nhanh. Các cú sốc về mực nước sông Mê Kông rất đáng quan ngại. Xuôi về hạ lưu của dòng Mê Kông, khu ramsar (khu bảo tồn đất ngập nước) gần biên giới Campuchia và Lào. Hậu quả của việc môi trường bị “sốc nước” được nhận diện rộng khắp. Nhiều cây lớn ở đây đã chết và đổ ngã ngay giữa dòng sông. Các cây này không thể thích ứng kịp với các cú sốc như vậy. Điều này ảnh hưởng lớn đến cảnh quan cũng như sự bền vững của khu ramsar này.
Ông Alan nói tiếp: “Có thể vùng hạ lưu sông Mê Kông từ giờ về sau sẽ thay đổi theo hình thức mùa khô sẽ bị ngập lụt đáng kể và mùa mưa dòng chảy bị thiếu hụt. Đây là năm thứ 4 liên tiếp dòng sông này thiếu nước trong mùa mưa mà lại thừa nước trong mùa khô".
Cuộc sống của 20 triệu dân bị ảnh hưởng trực tiếp
ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia về sinh thái ĐBSCL, cho rằng: Mực nước mùa lũ 2021 trên sông Mê Kông thấp là do 2 yếu tố. Lượng mưa trong mùa mưa 2021 bị dịch chuyển sang gần cuối mùa, thêm vào đó là các đập thủy điện tích nước rất nhiều. Dù mùa lũ thấp nhưng tình hình hạn-mặn ở ĐBSCL sẽ không gay gắt vì từ tháng 10.2021 đến nay đã có hiện tượng La Nina và gần như tất cả các đập thủy điện đến đầu mùa khô 2022 đều đã đầy. Lượng nước đó sẽ được xả ra trong mùa khô 2022.
Một khu ramsar ở gần biên giới Campuchia và Lào bị tác động tiêu cực từ các cú sốc nước. Ảnh minh họa
Nhưng vấn đề lớn hơn là thủy điện làm rối loạn dòng chảy sông Mê Kông. Trước đây lượng nước sông Mê Kông chảy 80% trong mùa lũ, 20% trong mùa khô nên mới có dòng chảy mạnh vào tháng 7, 8, 9 mang phù sa về bồi đắp tạo nên đồng bằng này. Nay thủy điện làm giảm dòng chảy mùa lũ thì nước không còn đủ mạnh để mang phù sa, cát về đồng bằng nữa, sạt lở sẽ gia tăng.
“Chuyện nữa là sự rối loạn nhịp nước của sông Mê Kông sẽ hủy hoại toàn bộ hệ sinh thái, nhất là thủy sản. Tôm cá dựa vào “tín hiệu dòng sông” nước lên nước xuống theo mùa mà di cư, sinh sản. Cây cỏ thiên nhiên cũng theo nhịp đó mà trổ bông, kết trái. Nay nhịp nước rối loạn hết cả thì vạn vật muôn loài sẽ không biết đường đâu mà lần”, ông Thiện lo lắng.
Việc các đập thượng nguồn tích nước trong mùa lũ cũng làm cho dòng chảy vào Biển Hồ suy giảm, tức là xóa sổ vai trò điều tiết nước tự nhiên của Biển Hồ. Thủy sản tự nhiên của Biển Hồ cũng sẽ bị xóa sổ, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở đó, ảnh hưởng đến lượng trứng cá và cá con trôi về ĐBSCL mỗi mùa lũ.
Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Đồng Trưởng nhóm Giám sát Đập Mekong, Trung tâm Stimson, nói: Chắc chắn các quốc gia hạ lưu vực sẽ phải gánh chịu những tác động rất nguy hại này và khoảng 20 triệu người dân sẽ bị tác động trực tiếp đến sinh kế. Đáng lo lắng là nguồn thuỷ sản giảm ảnh hưởng đến nguồn nguồn cung cấp protein từ cá cho người dân nghèo sống dọc lưu vực. Các năm 2016 và 2020 là những năm hạn hán nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây do tác động của các con đập. Chúng ta cần thu thập thông tin và phân tích số liệu thật kĩ về những sự tác động đó để đàm phán với phía Trung Quốc. “Tôi cho rằng chúng ta cần có trách nhiệm chứng minh những thiệt hại để phía chính quyền Trung Quốc và cả các chủ nhà máy thuỷ điện hợp tác và chia sẻ lợi ích chung của cả dòng sông”, Brian Eyler.
Sự rối loạn nhịp nước của sông Mê Kông sẽ hủy hoại toàn bộ hệ sinh thái, nhất là thủy sản. Tôm cá dựa vào “tín hiệu dòng sông” nước lên nước xuống theo mùa mà di cư, sinh sản. Cây cỏ thiên nhiên cũng theo nhịp đó mà trổ bông, kết trái. Nay nhịp nước rối loạn hết cả thì vạn vật muôn loài sẽ không biết đường đâu mà lần.ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia về sinh thái ĐBSCL