TIN THỦY SẢN

ĐBSCL: Liên tục đối phó hạn, mặn

Mặn xâm nhập sớm với nồng độ cao đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến SX của nông dân ĐBSCL Đ.T.Chánh - Lê Hoàng Vũ

Các tỉnh, thành ĐBSCL đang phải đối mặt với mùa khô hạn, nhiều nơi hạn, mặn diễn ra sớm hơn so với cùng kỳ nhiều năm.

Ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, từ cuối năm 2013 ngành nông nghiệp cùng với các địa phương trong tỉnh đã triển khai việc phòng chống mặn xâm nhập.

Theo đó, hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh từ vùng Tứ giác Long Xuyên (gần 30 cống kiên cố) đến các huyện vùng U Minh Thượng đã được đóng hoàn toàn để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ SX. Việc xây dựng các đập tạm cũng hoàn tất để bảo đảm an toàn cho hơn 300.000 ha lúa ĐX và đặc biệt là vụ lúa HT sắp tới. Nhờ đó, đã hạn chế phần nào tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Tại vùng Tứ giác Long Xuyên, một số huyện như Kiên Lương, Giang Thành có quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp nhưng chưa có hệ thống lấy nước mặn riêng biệt mà vẫn dùng chung hệ thống kênh rạch với SX lúa. Do đó, dẫn đến nghịch lý là người nuôi tôm muốn mở cống để đưa nước mặn vào nhưng nông dân trồng lúa lại yêu cầu đóng cống.

Để giải quyết bài toán này, hằng năm, ngành nông nghiệp chỉ mở cống cho nước mặn vào vùng nuôi tôm khoảng 1- 1,5 tháng đầu vụ nuôi, sau đó là đóng cống để tránh tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Tỉnh Hậu Giang, dù nằm giữa vùng ĐBSCL, xa biển nhưng vẫn bị nước mặn bủa vây. Hiện nước mặn theo sông Cái Lớn và kênh xáng Xà No đã xâm nhập nhiều địa phương của TP Vị Thanh như: xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu, phường 7 và 4 xã Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Nghĩa, Lương Tâm (huyện Long Mỹ).

Ngay từ đầu mùa khô (cuối tháng 2, đầu tháng 3), kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn cho thấy độ mặn ở một số địa bàn vùng ven thuộc huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh đã tăng rất cao, vượt ngưỡng báo động đối với nước sinh hoạt cũng như SX nông nghiệp. Cụ thể, nồng độ mặn cao nhất tại cống Ba Cô, Hóc Pó (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) là 5,6‰; ngã ba Nước Trong, cống Kênh Lầu (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh) là 9,5‰.

Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, mùa khô hạn năm nay mặn không chỉ xâm nhập sớm hơn mọi năm khoảng 10 ngày với nồng độ cao bất thường mà phạm vi bị ảnh hưởng còn được mở rộng khi có thêm xã Vị Tân và phường 3 (TP Vị Thanh) bị xâm nhập mặn. Tình hình xâm nhập mặn năm nay được dự báo là có diễn biến rất khó lường và khả năng độ mặn có thể tăng lên tới 12-15‰ khi vào tháng cao điểm mùa khô.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã cho triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống xâm nhập mặn như đắp cống đập thời vụ, giữ nước trên đồng phục vụ SX. UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy chủ động phối hợp với Cty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Tại Đồng Tháp, một trong những tỉnh ở ĐBSCL có diện tích xuống giống HT sớm nhất, với tình hình nắng hạn như hiện nay, tỉnh này đang gặp khó vấn đề lấy nước. Chính vì vậy UBND tỉnh đã lên kế hoạch phòng, chống hạn bảo vệ SX năm 2014 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đủ nước tưới cho gần 232.600ha diện tích gieo trồng vụ HT 2014 (lúa 195 ngàn ha; hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày gần 37.600ha); trên 110 ngàn ha lúa vụ thu đông và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, mực nước trong mùa khô; rà soát, kiểm tra các công trình kênh mương, cống đập để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, bảo vệ SX.

Đ.T.Chánh - Lê Hoàng Vũ Nông Nghiệp VN, 20/03/2014