Để có một nghề cá nhân dân vững mạnh
Những chính sách hỗ trợ ngư dân mỗi khi gặp thiên tai, rủi ro trên biển sẽ là nguồn động lực rất lớn để ngư dân yên tâm bám biển.
Truyền thống khai thác thuỷ sản lâu đời và sản lượng khai thác lớn đã đưa ngành thuỷ sản Việt Nam gia nhập nhóm 20 nước có sản lượng khai thác thuỷ sản lớn nhất trong những năm qua và đứng thứ 6 về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới. Hoạt động nghề cá không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bà con ngư dân, mang về ngoại tệ cho đất nước mà quan trọng hơn sự hiện diện của ngư dân ở những ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nước ta với 28 tỉnh, thành có biển và hơn 4 triệu lao động nghề cá với ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa. Dù khai thác thủy sản được xem là nghề truyền thống từ lâu đời, nhưng đến nay, đội tàu cá của ta đa số vẫn trang bị thô sơ. Luôn phải sống và làm việc trong môi trường khắc nghiệt, đầy rủi ro, ngư dân không chỉ đối mặt với những rủi ro của thời tiết: bão tố, dông lốc… mà còn phải đối phó với những tình huống khó lường khi những tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, với ngư dân, biển là nguồn sống nên dù khó khăn cách mấy họ vẫn vươn khơi. Tàu hỏng, đóng tàu mới; lưới, ngư cụ mất, huy động mọi nguồn lực sắm lại... Cũng chỉ mới đây thôi, những ngư dân Quảng Ngãi sau khi bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin lại kiên cường sửa tàu tiếp tục thẳng tiến ngư trường Hoàng Sa, bởi với họ đó là biển quê hương, là một phần máu thịt của Tổ quốc mình. Bất chấp hiểm huy, những chuyến tàu đánh cá vẫn đều đặn ra khơi, không chỉ vì mưu sinh mà còn là những cột mốc sống khẳng định, bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Và trước những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông, ngư dân đang ngày càng cần hơn nữa những chính sách, sự hỗ trợ và những điểm tựa để có thể vững tâm vươn khơi, bám biển.
Những năm qua, Nhà nước đã thực hiện các chính sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, như cảng cá, trạm thông tin, phương tiện cứu hộ cứu nạn, hình thành các dịch vụ về thông tin ngư trường, nguồn lợi, phát triển nguồn nhân lực, cũng như cho ngư dân vay vốn mua máy móc trang thiết bị, nhiên liệu… Tuy nhiên, trên thực tế, những chính sách này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của ngư dân. Đó là chưa kể nhiều chính sách- thực tế không đến được với ngư dân hoặc đến nhưng chưa động viên, khuyến khích được họ.
Làm thế nào giúp ngư dân yên tâm bám biển? Điều quan trọng lúc này là có được những chính sách đồng bộ để ngư dân hành nghề tốt nhất trên biển, cũng như đưa nghề cá Việt Nam phát triển hiện đại theo đúng nghĩa, xứng tầm với quốc gia biển. Không chỉ là những đội tàu đánh cá xa bờ công suất lớn, mà còn có những trung tâm hậu cần nghề cá, những cảng cá, âu tàu hiện đại. Thêm nữa là những chính sách hỗ trợ ngư dân mỗi khi gặp thiên tai, rủi ro trên biển, nguồn vốn vay để đóng mới tàu thuyền hay những chia sẻ, tấm lòng của nhân dân cả nước qua quỹ hỗ trợ ngư dân, chương trình tấm lưới nghĩa tình…
Sự hiện diện của các lực lượng như biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư… trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam cũng sẽ làm cho ngư dân yên tâm, vững vàng hơn khi đánh bắt ngoài khơi xa.
Các chính sách hỗ trợ, cụ thể, thiết thực và hiệu quả không chỉ giúp cho nghề cá vững mạnh hơn mà còn có ý nghĩa quan trọng nữa là động viên và khích lệ lòng yêu nước, đề cao nghĩa vụ và trách nhiệm của ngư dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.