TIN THỦY SẢN

Để khai thác tiềm năng Nuôi cá nước ngọt vùng trung du miền núi phía Bắc: Cần quản lý tốt dịch bệnh

Tổ chức hội thảo đầu bờ về bệnh cá nước ngọt tại xã Tân Thái (Đại Từ - Thái Nguyên). Khánh Nguyên

Theo các chuyên gia, khu vực Trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng nuôi cá nước ngọt  bởi có hệ thống sông, hồ chứa, hồ thủy điện tương đối lớn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững nuôi cá nước ngọt, công tác quản lý dịch bệnh cần được đặc biệt chú trọng.

Tiềm năng lớn

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tiềm năng nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện của khu vực Trung du miền núi phía Bắc rất lớn. Báo cáo của các địa phương cho biết số lồng, bè năm 2016 của các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc là 8.765 lồng, sản lượng đạt 17.487 tấn. Trong đó, Phú Thọ, Hòa Bình là hai địa phương phát triển tốt nuôi cá lồng.

Tại Tọa đàm “Giải pháp phòng trị bệnh cá nước ngọt” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức mới đây tại Thái Nguyên, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm cho biết, nếu chú trọng phòng trừ các loại dịch bệnh của cá, nuôi theo quy hoạch thì tiềm năng của nghề còn rất lớn.

Phát huy tiềm năng và lợi thế nuôi cá nước ngọt, người dân các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đã lựa chọn nuôi những giống cá chất lượng như cá trôi, trắm, chép, rô phi đơn tính, điêu hồng, cá lăng… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy chưa tạo thành hàng hóa tập trung nhưng mang lại hiệu quả xã hội rất lớn như cung cấp sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, giải quyết việc làm, giảm tệ nạn phá rừng.

 Theo Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, toàn tỉnh có 7.155ha diện tích mặt nước có khả năng phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản, bao gồm 2.140ha ao gia đình có thể nuôi thâm canh và bán thâm canh các loài thủy sản; 1.515ha ao hồ chứa nước thủy lợi vừa và nhỏ có thể thả cá hoặc nuôi cá bán thâm canh; 1.000ha ruộng cấy lúa có thể kết hợp nuôi cá; 2.500ha hồ chứa Núi Cốc có thể tái tạo, khai thác nguồn lợi thủy sản và bảo tồn các giống loài thủy sản quý hiếm. Ngoài ra, tỉnh còn có 12.000ha diện tích mặt nước sông, suối, có khả năng nuôi cá lồng, nuôi eo ngách và khai thác thủy sản tự nhiên.

Trước năm 2006, nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh ở sông Công và hồ Núi Cốc. Hiện, cá lồng trên địa bàn tỉnh được nuôi tập trung ở hồ Núi Cốc, hồ Gò Miếu (Đại Từ), hồ Bảo Linh (Định Hóa). Hộ nuôi nhiều nhất 5.000m3 lồng, các loại cá được nuôi là rô phi, điêu hồng, trắm, chép.

Tính đến tháng 8/2016, toàn tỉnh có 177 lồng cá với thể tích 26.360m3, năng suất 35kg/m3/lồng/năm. Trong đó, hồ Núi Cốc có 120 lồng, hồ Ghềnh Chè 14 lồng, hồ Gò Miếu 20 lồng, hồ Bảo Linh 20 lồng. 

Lồng nuôi cá của các hộ được xây dựng và lắp ghép chắc, đảm bảo vững chắc dù có mưa to gió lớn nước động mạnh hay  những tác động mạnh từ bên ngoài. Vật liệu chính để đóng lồng được các hộ sử dụng là cây gỗ, sau đó dùng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để chắn cá từ trong lồng ra ngoài và cá tạp từ ngoài vào trong lồng. Hệ thống phao nổi được làm từ cây tre và cây mai sẵn có của gia đình.

Các doanh nghiệp xây dựng thiết kế kiên cố hơn với phao nổi được đổ bằng bê tông cốt thép chống chịu được môi trường khắc nghiệt của thiên nhiên như nắng nóng và ngâm trong nước với thời gian dài. Lồng nuôi của các hộ được đặt tại các vị trí thuận lợi trên hồ nên dễ dàng cho quá trình chăm sóc quản lý. Vị trí đặt lồng có nguồn nước sâu, đáy lồng cách đáy hồ từ 1m trở lên và được vệ sinh kỹ trước khi thả giống.

Các giống cá sử dụng cho nuôi lồng là những giống mới chịu nuôi thâm canh như cá trắm, rô phi, điêu hồng, chép, cá tầm…

Để nghề nuôi cá lồng của tỉnh phát triển bền vững, việc đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật cũng được các ngành chức năng đẩy mạnh nuôi theo hướng an toàn. Công tác khuyến ngư đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức để người dân thay đổi tập quán từ thả cá sang nuôi cá, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tận dụng mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản. Một số mô hình nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá rô phi, nuôi thâm canh cá trắm cỏ, nuôi cá rô phi theo hướng VietGAP. Việc nhân rộng mô hình đã góp phần tích cực vào tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập. 

Thách thức trong quản lý dịch bệnh

Tuy nhiên, nghề nuôi cá nước ngọt trong vùng vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng. Đó là do các địa phương chưa chủ động được nguồn giống, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng quy trình VietGAP, sản phẩm cá chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát huy sự liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất trong nuôi cá nước ngọt là việc quản lý dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, khác với các vật nuôi trên cạn, khi cá bị bệnh, việc phát hiện và chuẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm. Khi đã phát hiện được bệnh của cá thì việc điều trị bệnh cũng không đơn giản và dễ dàng, không phải điều trị từng con mà phải cả ao. Mặt khác, khi trị bệnh cá không phải lúc nào cũng có kết quả như mong muốn và ít nhiều đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cá, ảnh hưởng đến thức ăn tự nhiên và môi trường nước. Ngoài ra, một số thuốc có thể tích lũy trong cơ thể cá và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Chính vì vậy, trong quá trình nuôi cá nước ngọt việc phòng trị bệnh vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lâu dài và quyết định.

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước ngọt vùng Trung du miền núi phía Bắc, góp phần thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch vùng nuôi cá, lựa chọn một số vùng nuôi trọng điểm để tập trung đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung để tạo ra các vùng sản xuất thủy sản hàng hóa. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào đến nuôi, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm cá.

Quy hoạch, thiết kế và xây dựng vùng nuôi cá nước ngọt theo hướng an toàn thực phẩm. Giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cấp, thoát nước tốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Tăng cường quản lý thuốc kháng sinh, phòng trừ dịch bệnh để nâng cao hiệu quả cho người nuôi cá nước ngọt. Thực hiện tốt việc quản lý thực phẩm về giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Các viện, trường, trung tâm giống, các cơ sở sản xuất giống thủy sản cần tập trung quản lý tốt chất lượng con giống, thức ăn; tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh, quan trắc trước khi có bệnh xảy ra; Tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những giống cá mới chất lượng, năng suất cao, sức đề kháng tốt, nhanh lớn, kháng bệnh.

Tập trung xây dựng các mô hình nuôi cá an toàn dịch bệnh theo hướng VietGAP, không sử dụng kháng sinh. Tăng cường hướng dẫn quy trình kỹ thuật, mùa vụ và mật độ thả nuôi phù hợp; phát hành ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến trao đổi kinh nghiệm rộng rãi cho nông, ngư dân, các tổ chức tham gia nuôi cá ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sao cho 1 người làm sẽ có 100 người biết và áp dụng; tăng cường năng lực thông qua đào tạo tập huấn theo mục tiêu 4 dễ (dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo).

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuỷ sản cho người dân, không sử dụng thuốc, kháng sinh cấm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm. Tuyên truyền các mô hình nuôi cá theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm đạt hiệu quả cao để ngư dân học tập và áp dụng; đồng thời tuyên truyền những mô hình hạn chế, nêu nguyên nhân để người dân rút kinh nghiệm. Tăng cường dự báo biến động về giá cả thị trường giúp người nuôi định hướng phát triển sản xuất.

Lựa chọn công nghệ sản xuất giống mới phù hợp điều kiện của địa phương. Sản xuất được các giống nuôi chủ yếu có năng suất, chất lượng (chép lai, rô phi đơn tính, điêu hồng, trắm đen, cá lăng, cá chiên…), con giống trước khi đưa vào nuôi phải được kiểm dịch theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Khuyến khích sử dụng các chế phẩm làm sạch nước. Tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực thú y thủy sản, tuyên truyền tập huấn kỹ thuật, thực hiện quy chế quản lý vùng nuôi theo đúng quy trình để hạn chế tình trạng ô nhiễm trong vùng sản xuất. Tăng cường các quy trình tiên tiến, thân thiện môi trường trong nuôi trồng thủy sản như VietGAP, BAP, SQF 1000, ASC...

Khánh Nguyên Báo KTNT