TIN THỦY SẢN

Đề nghị EC bỏ “thẻ vàng” thuỷ sản trong quý II/2018

Nỗ lực thoát 'thẻ vàng' EC trong quý II/2018 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Thy Hằng

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh năm 2018. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đề nghị Cộng đồng châu Âu bỏ “thẻ vàng” đối với thuỷ sản Việt trong quý II năm 2018.

Tại chỉ đạo lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới nội dung tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Còn nhiều “nỗi lo”

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập còn tồn tại trong ngành như tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ, đồng đều. Vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn, đặc biệt việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp còn xảy ra, tình trạng phá rừng tự nhiên.

Bên cạnh đó, năng suất lao động còn thấp, tình trạng sản xuất nông nghiệp còn bị động, được mùa mất giá vẫn là nỗi lo. Hạ tầng nông nghiệp chưa được đầu tư, quan tâm thích đáng.

Đặc biệt, Người đứng đầu Chỉnh phủ nhận định, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tuy đã có sự lớn mạnh nhưng còn ít, chỉ chiếm 1% trong tổng số doanh nghiệp cả nước. Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp. Thu hút đầu tư nguồn lực vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng. Mô hình phát triển nông nghiệp còn chậm và lúng túng.

"Một số ngành, địa phương còn lơ là chỉ đạo nông nghiệp nông thôn. Một số tỉnh, thành coi nhẹ, chưa tập trung chỉ đạo, ít lo việc thiết thực của dân, để lòng dân không yên" - Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn.

Trong khi đó, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, mục tiêu được đề ra với ngành nông nghiệp là mức tăng trưởng 3,0%, trong đó, nông nghiệp 2,25%, lâm nghiệp 6,0%, thủy sản 5%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, có ít nhất 52 đơn vị hành chính cấp huyện và 37% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Do đó, để hiện thực mục tiêu nói trên trong bối cảnh còn nhiều tồn tại trong ngành, giải pháp trọng tâm năm 2018 được Thủ tướng chỉ ra với ngành là một kế hoạch và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp của ngành đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2018.

Cắt giảm chi phí trung gian

Theo đó, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Thời gian qua, thực trạng ngành nông nghiệp còn phải kể đến câu chuyện quả trứng “gánh” 14 loại phí khiến giá trứng tại Vĩnh Phúc từ 20.000 đồng/chục đã thành 47.000 đồng/chục khi được bán tại siêu thị của Hà Nội, hay chuyện quả chanh “đội giá” 100 lần. Do đó, tại chỉ đạo ngành lần này, Thủ tướng chỉ đạo giảm chi phí trung gian để nâng cao thu nhập cho nông dân. Phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ nông nghiệp nhằm giảm chi phí, thời gian vận chuyển, bảo quản, kiểm định, kiểm dịch và các loại phí liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, triển khai các giải pháp cụ thể phát triển nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không quản lý. Khẩn trương đề nghị Cộng đồng châu Âu bỏ “thẻ vàng” đối với Việt Nam trong quý II năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương rà soát, đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thy Hằng Enternews