TIN THỦY SẢN

Để thủy sản ở Hạ Hòa trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế

Thủy sản ở Hạ Hòa có tiềm năng rất lớn nhưng chưa khai thác hết được tiềm năng, cần có những chính sách phù hợp để nuôi và khai thác thủy sản trở thành một trong những chương trình kinh tế trọng điểm. Hùng Cường

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực thả cá của gia đình, ông Lê Xuân Hà ở khu 5, xã Chính Công - Hạ Hòa cho biết: “Với diện tích mặt nước như thế này, không làm giàu được từ con tôm, con cá thì phí quá. Cá ở đầm Chính Công đã nổi tiếng xa gần về chất lượng nên rất dễ bán. Tuy nhiên, nếu để làm giàu được từ nuôi thủy sản thì thời gian được thuê mặt nước phải từ 10 năm trở lên bởi chi phí đầu tư hàng năm tương đối lớn. Cứ tính tiền mua ngư cụ thôi cũng mất cả trăm triệu đồng, đồ tốt phải dăm bảy năm mới hư hỏng, thầu một vụ chỉ được 2, 3 năm. Vụ sau không trúng chẳng biết bán cho ai. Không riêng tôi mà hầu hết các hộ nuôi thả cá ở Chính Công đều mong muốn được thuê lâu dài, để bõ công đầu tư”. Diện tích nuôi thả cá của gia đình ông Hà hiện nay vào khoảng 18ha, chuyên thả các loại cá có năng suất cao như mè, rô phi đơn tính, chép lai 3 máu, vược, trắm cỏ, trôi Ấn Độ… Ngoài ra, ông còn dành riêng một khu nuôi cá trắm đen cung cấp cho nhiều nhà hàng đặc sản. Mỗi năm, trừ chi phí ông cũng lãi hàng trăm triệu đồng.

Tổng diện tích mặt nước có thể khai thác, nuôi thủy sản ở Hạ Hòa hiện khoảng trên 3.081ha. Thực tế cho thấy, nghề nuôi trồng thủy sản ở Hạ Hòa đã phát huy hiệu quả từ tiềm năng sẵn có cùng với những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều xã phát triển thủy sản với quy mô và hiệu quả cao như: Lâm Lợi, Minh Côi, Vĩnh Chân, Động Lâm, Yên Luật, Đại Phạm, đặc biệt là những nơi có diện tích nuôi thả lớn như đầm Ao Châu, thị trấn Hạ Hòa; ngòi Vần, xã Hiền Lương; đầm Chì, đầm Móng Hội, xã Lâm Lợi, đầm Chính Công... So với trồng lúa, nuôi cá hiệu quả cao hơn từ 1,5-3 lần, cũng nhờ nuôi thủy sản, nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống.

Tuy nhiên, trên thực tế năng suất và sản lượng thủy sản của Hạ Hòa chưa tương xứng với tiềm năng. Tổng sản lượng trong vài năm trở lại đây chỉ ở mức trên dưới 5.000 tấn/năm. Năng suất nuôi thả cũng chỉ  khoảng 2-2,5 tấn/ha. Khó khăn chung trong phát triển thủy sản của Hạ Hòa hiện nay là diện tích nuôi thủy sản đa số còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ảnh hưởng đến việc đầu tư hạ tầng để thâm canh có hiệu quả, môi trường mặt nước còn bị ô nhiễm. Mặt khác, nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa còn hạn chế, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đưa các giống thủy sản năng suất, chất lượng cao vào nuôi trồng mà chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống bằng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có. Do khó khăn về vốn nên nhiều hộ chưa mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyên canh, dẫn đến năng suất, sản lượng, chất lượng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài ra, còn một số lý do khác như diện tích mặt nước không liền khoảnh, liền vùng khiến việc đầu tư quy hoạch thành vùng chuyên canh, vùng nuôi thả có giá trị kinh tế cao; một số ao, hồ của huyện trong tình trạng liên huyện, liên tỉnh; các địa phương chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân đấu thầu nên khó quản lý, cho các hộ thuê để đầu tư phát triển…

Để sản xuất thủy sản ở Hạ Hòa thực sự trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế chủ lực của địa phương, Hạ Hòa cần có những chính sách hỗ trợ, phát triển thủy sản, tăng cường mở các lớp tập huấn, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ bệnh thủy sản; đưa tiến bộ kỹ thuật đến với người dân; tiếp tục khuyến khích các hộ có điều kiện đầu tư thâm canh, đưa con giống mới, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương; tiếp tục chuyển đổi các chân ruộng trũng, canh tác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; đề nghị cấp trên hỗ trợ để dần dần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản tại các xã có diện tích mặt nước lớn như Chính Công, Lệnh Khanh, Quân Khê, Vĩnh Chân, Động Lâm, Lâm Lợi...; đầu tư nuôi thử nghiệm một số loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá lăng chấm, cá anh vũ tại khu vực Ao Giời - Suối Tiên (xã Quân Khê). Hiện nay, việc phát triển cá lồng ở một số xã trên địa bàn huyện cũng đang phát triển khá mạnh, là bước tạo đà để mở rộng ra những địa phương thích hợp, nâng cao tổng sản lượng thủy sản, góp phần đưa thủy sản trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế trọng điểm của huyện.

Hùng Cường Báo Phú Thọ, 11/09/2015