TIN THỦY SẢN

Đề xuất thành lập lực lượng kiểm ngư ở 28 tỉnh, thành

Bộ Nông nghiệp đề xuất thành lập lực lượng kiểm ngư ở 28 tỉnh, thành. Ảnh: Sơn Thủy Hoàng Thùy

Cùng với tổ chức kiểm ngư ở trung ương, Ban soạn thảo Luật thuỷ sản (sửa đổi) đề xuất thành lập lực lượng này tại 28 tỉnh, thành ven biển.

Sáng 21/3, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật thuỷ sản (sửa đổi).

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam với chiều dài hơn 3.200 km bờ biển, phạm vi ngư trường hàng triệu km2, tiềm năng nghề cá rất lớn. Cùng với tổ chức kiểm ngư ở trung ương, Ban soạn thảo Luật đề xuất thành lập lực lượng này tại 28 tỉnh, thành ven biển.

"Đây là việc rất cần thiết để tăng cường giám sát, bảo vệ vùng biển", Bộ trưởng Cường nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, đã có Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng kiểm ngư, hơn nữa Bộ Nông nghiệp chưa tổng kết, đánh giá về lực lượng này nên việc thành lập kiểm ngư cấp tỉnh là chưa hợp lý. "Theo tôi vẫn duy trì kiểm ngư ở cấp trung ương, sau này nâng nghị định lên pháp lệnh thì lực lượng này sẽ được mở rộng theo", ông Tỵ nói.

Về việc thành lập quỹ bảo vệ và phát triển thuỷ sản, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét sự cần thiết, nhất là xu hướng gần đây các luật đều dành ra một phần nội dung cho việc thành lập quỹ.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Cường nói quỹ này sẽ được thành lập ở các tỉnh và mở rộng bằng nguồn xã hội hóa.

"Ô nhiễm môi trường là một nguy cơ hiện hữu, nếu không có quỹ cấp tỉnh sẽ không xử lý được tức thời. Chẳng hạn ở 4 tỉnh miền Trung gặp sự cố môi trường biển, để phục hồi, tái tạo cần một số tiền khổng lồ, nếu không có quỹ sẽ không xử lý được", ông Cường nói.

Theo Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, việc khai thác thuỷ sản hiện đang trong tình trạng báo động. Bản thân ông với hơn 30 năm đi tất cả các vùng biển của đất nước, nhận thấy nguồn thuỷ sản của Việt Nam đang bị tận diệt bằng đủ các hình thức đánh bắt như kích điện, dùng thuốc nổ, hóa chất...

"Trước kia chúng tôi đi biển, một ngày câu được rất nhiều cá, nhưng bây giờ tất cả các vùng ven biển từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc cá đã không còn. Vì vậy ngư dân ta phải đi đánh bắt ở vùng biển xa, nhiều tàu ngư dân đi vào vùng biển của nước khác đã bị bắt", Tướng Minh nói.

Trước thực trạng trên, ông Minh đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể khu vực được đánh bắt, những nơi cần hạn chế và nghiêm cấm để bảo tồn, nhất là ven bờ. .

Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết gần một tháng qua có đến hơn 90 tàu cá bị tai nạn, gồm có chìm tàu, bị phá nước, mất tài sản, đâm nhau, tai nạn lao động... "Các vụ tai nạn đều được ứng cứu, nhưng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. Vì vậy, cần thắt chặt kiểm định chất lượng hoạt động của các tàu cá", Tướng Minh nêu ý kiến.

Hoàng Thùy VNE