TIN THỦY SẢN

Đi biển - Nghề may rủi

Ngư dân chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày (Ảnh: Thủy Phan) Thủy Phan

Thỉnh thoảng lại có tin ngư dân gặp nạn trên biển. Người may mắn thì được cứu, người thì tìm thấy được thi thể, nhưng có người mất tích mãi mãi trên biển.

Ám ảnh những vụ chìm tàu

Đối với ngư dân, những cơn bão bất ngờ hay tin những vụ chìm tàu ngoài khơi Biển Đông luôn là nỗi ám ảnh với họ. 

Nhiều ngư dân chia sẻ rằng, nghề đi biển vừa khó khăn, lại nguy hiểm mà thu nhập lại chẳng được bao nhiêu. Nhà nào may mắn thì có năm kiếm được khoảng hơn 50 triệu, nhưng cũng có nhà mỗi năm chỉ dư được dăm bảy triệu. 

Rồi thỉnh thoảng, người ta lại nghe tin ngư dân gặp nạn trên biển do tàu bị sóng đánh chìm. Người may mắn thì được cứu, người thì tìm thấy được thi thể, nhưng cũng có người mất tích mãi mãi trên biển. 

Đơn cử như mới đây, vụ tàu cá QB 92671 TS do ông Nguyễn Ngọc Hải (46 tuổi, ở thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) làm chủ tàu đã bị chìm trên biển tại vị trí có tọa độ 17-59 N; 110-12 E, cách cửa Du Lâm, đảo Hải Nam, (Trung Quốc) khoảng 45 hải lý về phía Đông Nam hôm 15/2/2016. 

Trên tàu có tất cả 7 ngư dân, 4 người may mắn đã được cứu và trở về nhà an toàn, còn 3 người nữa hiện vẫn đang mất tích. Gia đình những nạn nhân này đã làm các thủ tục tang gia.

Có lẽ, trong vụ việc này, gia đình chủ tàu Nguyễn Ngọc Hải phải chịu đựng những mất mát lớn nhất khi họ mất đi khối tài sản lớn và người con trai ruột.

“Nghề biển nó cũng lênh đênh như con sóng vậy. Chuyến nào may mắn, thả được mẻ cá lớn thì mấy anh em lãi được vài chục triệu. 

Nhưng có chuyến chỉ được 1-2 triệu, thậm chí có chuyển còn phải bù lỗ. Tính đi tính lại, mỗi năm mỗi người chỉ thu về được khoảng 30-50 triệu”, ông Hải tâm sự.


Nghề biển cũng lênh đênh như con sóng biển (Ảnh: Thủy Phan)

Theo ông Hải, cuộc đời ông gắn liền với nghề đi biển, từ khi lớn lên ông đã theo nghề đến tận bây giờ. Nhưng đây là lần đầu tiên ông phải chịu sự mất mát lớn đến như vậy. Bây giờ con trai mất, tàu thì cũng đã bị chìm, ông Hải cũng chưa biết lúc nào mới sẽ quay lại với công việc.

“Cũng vì miếng cơm manh áo thôi, vì ở đây cũng đâu có nghề gì khá hơn nữa đâu. Vất vả kiếm cơm thì không nhằm nhò gì, nhưng mỗi lần có những cơn bão bất thường hay nghe tin đâu đó có tàu cá bị chìm ngoài biển, ngư dân mất tích là mình lại thấy sợ. 

Nhưng đâu phải sợ thì sẽ bỏ nghề. Sợ thì cũng vẫn phải ra khơi bám biển để kiếm cơm nuôi gia đình, nuôi con cái thôi”, anh Nguyễn Xuân Hỏi, chủ một tàu cá ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) chia sẻ.

Muốn đổi đời, ai ngờ đổi... nợ

Nghề đi biển bấp bênh, vất vả, lại nguy hiểm. Vì vậy mà nhiều ngư dân bỏ nghề đi làm nghề khác với mong muốn đổi đời, nhưng không ngờ lại phải đổi lấy... nợ.

Tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), mấy năm trước, một số hộ dân tại địa phương đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát làm ăn phát đạt.

Thấy vậy, hàng trăm người dân ào ạt bỏ nghề đi biển để đầu tư nuôi tôm, nhưng rồi cuối cùng nhiều người lại phải quay lại làm nghề cũ để trả nợ do làm ăn thất bát.

Theo thống kê của UBND xã Hải Ninh, số tiền mà người nuôi tôm ở địa phương nợ ngân hàng lên đến hơn 150 tỷ đồng. 

Năm 2013, thấy một số người trong làng nuôi tôm thẻ trên cát làm ăn phát đạt, ông Nguyễn Văn Dội (ở thôn Cửa Thôn, xã Hải Ninh) cùng 3 người anh em nữa của mình đã quyết định bỏ nghề đi biển, cắm sổ đỏ để có vốn nuôi tôm.

Ở địa phương hết đất, ông ra tận xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) thuê đất nuôi tôm. Thế nhưng, ngay vụ đầu tiên, mấy anh em ông Dội đã bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng do năm đó bão lớn nên tôm bị lùa hết ra ngoài.

Sau 2 năm theo nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, lãi đâu chưa thấy, nhưng 4 anh em ông Dội đang phải ngồi trên đống nợ lên tới 1,5 tỷ đồng, 3 sổ đỏ của 4 anh em cùng nhau đầu tư hiện vẫn nằm trên ngân hàng. Mỗi tháng, 4 anh em phải trả 5,5 triệu đồng tiền lãi.


Vì nuôi tôm thua lỗ, ông Nguyễn Văn Dội đành quay lại với nghề đi biển để có tiền trả lãi ngân hàng (Ảnh: Thủy Phan)

Hiện tại, ông Dội đành phải quay trở về với nghề đi biển, cố gắng làm việc để trả nợ.

“Trước đây gia đình tôi sống bằng nghề đi biển. Nghề này đủ sống nhưng mỗi năm làm lụng vất vả cũng chỉ dư được 4-5 triệu. Vì vậy, tôi đổi nghề với mong muốn kiếm được nhiều hơn cho gia đình đỡ vất vả, không ngờ giờ lại ôm lấy nợ. 

Với số nợ này, chúng tôi không biết đến bao giờ mới trả hết nữa. Giờ đi làm chắc cũng chỉ đủ để trả tiền lãi ngân hàng hàng tháng”, ông Dội nói.

Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết: “Mấy năm trước, vì thấy một số người trong làng làm ăn được từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, nên hàng trăm người dân đã ào ạt làm theo để bây giờ phải ôm nợ cả tỷ đồng. 

Hiện tại, vì nợ nần mà nhiều hộ dân phải bỏ đi nước ngoài làm ăn với hy vọng có tiền trả nợ, có hộ thì đành quay lại với nghề đi biển lấy tiền trả lãi ngân hàng”.

Thủy Phan Báo Giáo dục Việt Nam, 02/03/2016