TIN THỦY SẢN

Đi qua “thủ phủ” tôm hùm

Bè nuôi tôm hùm trên đầm Cù Mông - Ảnh: LÊ TRÂM Mạnh Lê Trâm

Đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) rộng gần 15.000ha, trải dài từ xã Xuân Thịnh đến xã Xuân Cảnh, rồi chạy giáp vòng qua xã Xuân Hòa. Đây là “thủ phủ” nuôi tôm hùm của tỉnh. Lên chiếc ghe đi vòng qua 3 xã, tôi len lỏi qua các bè nuôi tôm, nghe người dân bè kể về nghề nuôi tôm hùm.

Phất lên từ con tôm

Sáng, dọc bờ đầm thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, phụ nữ trải tấm bạt làm mồi (chủ yếu là cá, cua, ốc…) cho tôm hùm. Xong, đàn ông bưng rổ mồi chất lên thúng lắc ra bè cho tôm hùm ăn. Xúc thau mồi cho vào ống nhựa rồi múc nước đổ vào cho mồi trôi xuống lồng, ông Nguyễn Văn Đại, nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh cho hay: Hồi giờ không ai thấy răng tôm hùm, vậy mà miệng nó hung dữ lắm. Lúc cho tôm hùm ăn, ai lỡ tay làm rớt đồng hồ xuống lồng, hôm sau lặn lấy lên thì tôm đã cắn móp đồng hồ. Nhưng “miệng hùm” mà “gan sứa”, tôm hùm nhát lắm. Cá mua về phải cắt làm hai, làm ba thả xuống nó mới ăn; còn để nguyên con, nó không dám ăn.

Cho tôm ăn xong, ông Đại ngậm ống hơi lặn hơi dài xuống các lồng thăm chừng tôm. Lát sau, ông ngoi lên, trút từ trong cái vợt ra mấy con tôm hùm to bằng cổ tay. Ông Đại giải thích: Tôm bị bệnh, đừ, ít di chuyển nên hàu chỉ bám bó con tôm lại, riết rồi chết; còn tôm không bệnh, lanh, càng que của nó gãi (làm vệ sinh quanh vỏ) thì không có vi sinh vật nào bám được. Thường mỗi lồng nuôi ban đầu thả 100 con tôm giống, trong quá trình nuôi tôm bị bệnh hao hụt còn lại 60-70 con, có khi rớt xuống còn 50 con.

Chiếc ghe di chuyển sang bè của ông Bùi Văn Tánh ở xã Xuân Cảnh. Ông Tánh đang rút lồng lên phơi trên bè. Chiếc lồng này nuôi tôm con giờ sang lồng nuôi tôm lớn. Theo ông Tánh, người nuôi tôm hùm không ngày nào mà không chạy ghe, lắc thúng ra đầm. Tết cũng “lết” ra bè, nuôi tôm hùm từ lúc bằng chân nhang đến khi bằng bắp tay, ngày nào cũng lo con tôm, cho ăn xong rồi lặn nhìn xem nó có bỏ ăn không. Trung bình mỗi lồng nuôi 70 con tôm hùm, ăn mỗi ngày hết 10kg mồi, nuôi 10 lồng, tôm ăn hết 1 tạ mồi. Ngày nào cũng mua mồi cho tôm ăn chờ đến khi thu hoạch bán, nếu nuôi trúng kiếm tiền tỉ, còn trật thì cũng... khóc ròng. Con tôm hùm làm ra um xùm chuyện, từ cất nhà, mua xe, nuôi con ăn học.

Ra giữa đầm, bè nuôi tôm dày, chiếc ghe phải cua qua cua lại tránh bè mới thoát qua được khu vực xã Xuân Hòa. Đang cân tôm bán cho thương lái, ông Phan Minh Tấn cho hay: Hiện nay giá tôm 1,6 triệu đồng/kg, vụ này tôi bán kiếm trên tỉ đồng. Cũng theo ông Tấn, ngày nào ông cũng chạy ghe qua lại ở đây nên biết rõ, từ Xuân Hòa vòng xuống qua cầu Xuân Cảnh rồi xuống Xuân Thịnh trung bình mỗi ngày có đến 6 xe đông lạnh chất tôm, mỗi xe trọng tải 5 tấn. Dọc bờ đầm, mỗi ngày kiếm hàng chục tỉ đồng từ tôm hùm. Đó là chưa kể đầm Cù Mông còn ăn sâu lên xã Xuân Bình, Xuân Lộc…

Nỗi ám ảnh dịch bệnh tôm hùm

Khu vực đầm Cù Mông có hàng trăm người nuôi tôm hùm bằng lồng bè. Nuôi tôm trúng thì buổi sáng tại các quán cà phê từ Vịnh Hòa lên Phú Dương (xã Xuân Thịnh), người nuôi tôm nói chuyện hỉ hả, cười tươi rói. Khi tôm dịch bệnh, họ cũng xúm lại khóc kể chuyện con tôm.

Nuôi tôm hùm sợ nhất là năm đó xuất hiện mưa giông nhiều. Thường ngoài đầm gió săn (gió mạnh và liên tục), trước khi có mưa giông thì trở trời đứng gió 1-2 ngày rồi mới làm giông mưa. Mặt đầm lúc đứng gió sẽ hàn mặt, dẫn đến thiếu oxy, tôm đừ bỏ ăn, ngắc ngư trồi đầu lên. Mưa giông nhiều ngày, con tôm còn bị sốc nước ngọt. Thời tiết rồi đến thiên tai hành người nuôi tôm.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cơn bão cuối tháng 12/2017, dọc theo đầm Cù Mông gần 40 vạn con tôm hùm trị giá hàng chục tỉ đồng trong phút chốc trôi theo bão. Sau bão, dọc bờ đầm, nhiều can nhựa, phuy nhựa, lồng nuôi trôi dạt vào bờ, người dân gom lại chất thành núi.

Sau thiên tai là đến dịch bệnh. Ông Nguyễn Tuấn ở xã Xuân Thịnh cho biết: Vùng này ngày nào cũng có tôm hùm rớt vì bệnh sữa, người nuôi lặn bắt bán đổ bán tháo. Tôm bệnh giá cả bị tư thương ép, giá chưa được 1/3 tôm sống; người nuôi lỗ cắm đầu vì vốn đầu tư lớn từ đóng lồng bè phải thuê thầy thợ đến con giống, thức ăn. Cũng theo ông Tuấn, nếu tôm thành phẩm bán 1,6 triệu đồng/kg như hiện nay, thì chi phí đầu tư hết 1,2 triệu đồng, người nuôi bỏ túi 400.000 đồng/kg. Còn tôm hùm bệnh thì bán đổ bán tháo, chỉ 600.000 đồng/kg, người nuôi bù lỗ 600.000 đồng.

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, hiện trên đầm Cù Mông có gần 50.000 lồng nuôi tôm hùm, số lồng nuôi này cao gấp 2 lần so với quy hoạch. Với số lồng nuôi như hiện nay, hàng ngày, người nuôi trút xuống đầm hàng ngàn tấn thức ăn. Thức ăn tôm hùm là thức ăn sống như cua, ốc, cá. Ngoài phần thịt tôm hùm ăn, còn phần vỏ cua ốc chìm xuống nước lâu ngày gây hôi thối. Đó là chưa kể, người nuôi tôm xả rác xuống đầm, các loại túi ni lông đựng thức ăn cho tôm, vỏ chai nhựa ném xuống đầm, gió gom lại vô Phú Dương, Vịnh Hòa thành bãi rác khổng lồ trên đầm.

Nguồn nước ô nhiễm dẫn đến dịch bệnh trên tôm hùm bùng phát. Ông Nguyễn Long, một người nuôi tôm hùm ở Xuân Cảnh, nhớ lại: Trước vùng này chưa bị ô nhiễm thả nuôi đâu trúng đó, nhiều người mở rộng qui mô, sau đó xảy ra dịch bệnh. Cách đây 5 năm, tôm chết hàng loạt, người nuôi mất trắng hàng tỉ đồng. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nước vẫn tiếp diễn.

Hiện không riêng vùng nuôi tôm hùm đầm Cù Mông mà các vùng nuôi khác trong tỉnh số lượng lồng bè nuôi tăng gấp đôi. “Ngành Nông nghiệp đã đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã, phường lập phương án sắp xếp lồng, bè, giao (cho thuê) mặt nước nuôi trồng thủy sản, đồng thời hướng dẫn các địa phương thống kê, báo cáo tình hình đăng ký kê khai ban đầu và củng cố các tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản để quản lý vùng nuôi. Sở đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm hùm kiểm tra chất lượng thức ăn, cần thiết phải giảm 50% lượng thức ăn để tránh dư thừa. Việc sử dụng thức ăn tươi cần đảm bảo chất lượng và bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất để tôm tăng sức đề kháng trong điều kiện thời tiết thay đổi để tôm chống chịu tác nhân gây bệnh”, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT nói.

Theo Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên, kết quả các thông số môi trường lấy mẫu nước gần đây tại đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài không nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi, khiến cho sức đề kháng tôm nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho tác nhân (Rickettsia like bacteria) phát triển, dễ dàng xâm nhập, gây bệnh cho tôm.

Mạnh Lê Trâm Báo Phú Yên