Điện Biên: Cảnh báo tác hại tình trạng kích điện bắt cá
ĐBP - Dọc theo lưu vực sông Mã, đoạn qua địa bàn huyện Điện Biên Đông không khó bắt gặp hình ảnh người dân sử dụng kích điện bắt cá. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, mất cân bằng sinh thái trong khi người đánh bắt có thể gặp rủi ro vì điện giật, ảnh hưởng đến tính mạng.
Đi từ chân Thủy điện Sông Mã 3 thuộc xã Phì Nhừ và Mường Luân, rất dễ dàng bắt gặp các nhóm 2 đến 3 người dùng kích điện đánh bắt cá. Thông thường, khi sử dụng kích điện thì trong bán kính hơn 1m tất cả các sinh vật dưới nước từ cá, cua, lươn, các sinh vật phù du,... đều bị điện giật sốc hoặc chết nổi lên mặt nước. Sau khi bị sốc, chết, các loại sinh vật đều bị bắt, thậm chí cả trứng của các loài sinh vật dưới nước cũng bị hỏng. Đây là cách đánh bắt tận diệt, khiến nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Anh Lò Văn Nam, bảo vệ tại Thủy điện Sông Mã 3 cho biết: Mỗi ngày dưới chân thủy điện có mấy tốp đi đi lại lại thay nhau kích cá. Không biết người dân bản nào; mỗi tốp thường từ 2 - 3 người, 1 người sử dụng máy kích điện, người còn lại thì dùng lưới vớt cá. Sau kích điện, cá to bé gì đều nổi lên và họ vớt hết. Trước đây cá sông Mã nhiều, quăng chài, câu cá được nhiều lắm mà giờ như vùng nước “chết”, ngồi câu cả ngày may mắn cũng chỉ được một vài con bé.
Chị Lò Thị Dung, người dân tại xã Mường Luân chia sẻ: Đang là thời điểm mùa khô, nước rút nên nhiều người đi đánh bắt cá. Ngoài các phương pháp truyền thống, còn xuất hiện nhiều nhóm người sử dụng kích điện để bắt cá. Kích điện bắt cá coi như là tận diệt, cá nhỏ cũng chết, càng ngày sông Mã càng ít cá.
Bên cạnh mối nguy tận diệt thủy sinh, phá vỡ môi trường sinh thái; việc đánh bắt cá bằng kích điện còn rất nguy hiểm đối với người đánh bắt nếu máy kích gặp trục trặc dẫn đến rò điện; hoặc người và máy cùng ngã xuống nước… Thực tế, đã có nhiều vụ việc người đi kích cá bị tử vong do điện giật.
Ông Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông), cho biết: Xã đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến từng hộ dân trong xã về việc vi phạm pháp luật khi sử dụng kích điện để khai thác cá, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc đánh bắt khai thác vẫn giữ gìn được môi trường sống, sự phát triển đa dạng của các loài thủy sản dưới nước. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát việc đánh bắt cá bằng kích điện để xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật Thủy sản năm 2017 quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng dòng điện, xung điện để khai thác thủy sản. Cụ thể tại khoản 7, điều 7, Luật Thủy sản năm 2017 quy định: ’’cấm các hành vi sử dụng chất, hóa chất cấm, chất nổ, xung điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính chất hủy diệt, tận diệt khai thác nguồn lợi thủy sản’’. Căn cứ Điều 28 nghị định số 42/2019/NĐ-CP xử phạt trong lĩnh vực thủy sản thì sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản với trường hợp không sử dụng tàu cá.
Có thể thấy, mối nguy hại đối với các loài thủy sinh và vi phạm pháp luật trong việc khai thác thủy sản bằng phương pháp kích điện, vì vậy đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp các ngành trong việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về tác hại của việc đánh bắt thủy sản bằng kích điện, xung điện. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.