DN cá tra quyết “nâng phần” thị trường nội địa
Sau quá trình dài mải miết tập trung XK, gần như “bỏ ngỏ” thị trường nội địa, nhiều DN nuôi trồng, chế biến, XK cá tra đã và đang “tính kế” quay trở lại đẩy mạnh thị phần tại thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân này.
Nâng thị phần nội địa lên 20-30%
Theo ông Trần Văn Hài-Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến (Đồng Tháp): Nội địa là thị trường đầy tiềm năng với mặt hàng cá tra nhưng dường như các DN đang bỏ quên. Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa là hướng đi mới cho các DN cá tra trong bối cảnh các thị trường XK ngày một khó khăn. Đối với DN Thủy sản Phát Tiến, thời gian trước, DN cũng chủ yếu XK cá phi lê sang thị trường EU. Thời gian tới, DN dự kiến sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Võ Văn Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty CP XNK An Giang (Agifish) cho hay: Mỗi năm, tổng doanh thu của công ty đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn thu chủ yếu từ XK. Hiện, có tới 95% sản phẩm cá tra của DN được XK với các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản…, tiêu thụ tại nội địa chỉ chiếm 5%. Trên thực tế, tại thị trường nội địa, nhất là miền Bắc, Agifish đã mở các đại lý ở Hà Nội và các chuỗi siêu thị lớn ở phía Bắc đều có bán các sản phẩm cá tra Agifish. Công ty nhận thấy, sức mua cá tra ngày càng tăng. Từ xuất phát điểm này, Agifish lên kế hoạch sẽ dần dần nâng thị phần tiêu thụ nội địa lên khoảng 20-30% trong thời gian tới.
Công ty TNHH Hùng Cá là 1 trong những DN sở hữu vùng nuôi cá tra lớn nhất vùng ĐBSCL hiện nay. Khi chia sẻ “câu chuyện” về tiêu thụ cá tra, ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cho hay: Hiện nay, chỉ hơn 10% sản phẩm của Hùng Cá được tiêu thụ tại nội địa. DN đặt mục tiêu sẽ nâng con số này lên khoảng 20-30% trong tương lai. “Cá tra được nuôi trồng, chế biến với quy trình đảm bảo XK sang các thị trường khó tính trên thế giới. Sản phẩm đem cung ứng cho thị trường nội địa cũng có chất lượng tương đương”, ông Hùng nói.
Cần nhà quản lý đồng hành
Trên thực tế, từ ngày 6 đến 8/10 vừa qua, nhiều “ông lớn” trong ngành thủy sản nói chung, cá tra nói riêng như: Vĩnh Hoàn, Agrifish, IDI, Hùng Cá, Gò Đàng… đều tham gia Hội chợ cá tra và sản phẩm thủy sản Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội (hội chợ chuyên ngành thủy sản đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô). Đây được nhận định là một trong những bước đầu “tấn công” thị trường miền Bắc của các DN, giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về loài cá vốn được xem là đặc sản của vùng ĐBSCL. Hầu hết DN kỳ vọng, ngoài nâng thị phần tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng có thể đẩy mạnh XK sang các thị trường lân cận.
Nhìn thấy rõ tiềm năng từ thị trường nội địa, song phải khẳng định để DN cá tra có thể thực sự thâm nhập, tận dụng tốt cũng không phải chuyện có thể diễn ra “một sớm một chiều”. Theo ông Hài, người tiêu dùng trong nước vẫn có tâm lý quen sử dụng cá tươi. Muốn thị trường chấp nhận các sản phẩm cá đông lạnh cần thời gian, kế hoạch cũng như lộ trình cụ thể. DN phải đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để người tiêu dùng thực sự hiểu về sản phẩm, đồng thời tìm đầu mối kết nối, tiêu thụ. “Sản phẩm cá tra hiện nay rất cạnh tranh khi giá nguyên liệu chỉ khoảng 28.000 đồng/kg. Trong khi đó, chất lượng cá tốt. Trong số cá nuôi, cá tra là loài có lượng thịt và mỡ khá cân đối. Các yếu tố này là lợi thế khi đem sản phẩm đẩy mạnh tiêu thụ tại nội địa”, ông Hài nói.
Liên quan tới vấn đề này, theo ông Phong, khi đặt mục tiêu “tấn công” mạnh hơn vào thị trường nội địa, Agrifish cũng đã xây dựng các phương án triển khai cụ thể. DN đã tích cực tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm, đồng thời nghiên cứu kỹ về thói quen tiêu dùng, thị hiếu, khẩu vị… của người dân từng miền Bắc-Trung-Nam để đưa ra các sản phẩm cung ứng cho phù hợp. “Điển hình như, đối với mặt hàng bánh cá, khi quảng bá, tiêu thụ tại thị trường miền Bắc, DN đã nghiên cứu cho thêm rau thì là vào nguyên liệu làm bánh”, ông Phong nói.
Nhằm tận dụng tốt nhất tiềm năng từ thị trường nội địa hơn 90 triệu dân với mức sống ngày một nâng lên, theo nhiều DN ngoài sự nỗ lực của bản thân DN, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan quản lý. Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Hùng ví dụ: Việc nuôi trồng, chế biến cá tra được DN thực hiện tại ĐBSCL. Muốn vận chuyển sản phẩm ra tiêu thụ ngoài miền Bắc, DN phải sử dụng nhiều xe lạnh, thậm chí phải có các kho lạnh để tập kết, phân phối hàng. Chi phí cho các xe lạnh, kho lạnh này khá cao, rất cần chính sách hỗ trợ.
Đứng từ góc độ lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Thanh Hùng– Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: “Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra, vai trò của chính quyền trong xúc tiến thị trường nội địa là không thể thiếu, vừa hỗ trợ cho DN, vừa hỗ trợ cho người tiêu dùng. Về phía tỉnh Đồng Tháp, sắp tới, địa phương sẽ đồng hành với DN, chỉ đạo các sở ngành liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa. Con cá tra có lợi thế rất lớn, bước vào thị trường nội địa là đương nhiên đi vào được các siêu thị vì đã đạt các chuẩn quốc tế, không mất thời gian như các sản phẩm khác”.