Độ mặn và mật độ trong ương nuôi cá bống tượng
Nghiên cứu khảo sát ảnh hưởng của độ mặn đến ương nuôi cá bống tượng từ 10 đến 45 ngày tuổi được thực hiện tại Trạm Thủy sản An Nghĩa, thuộc Chi cục Thủy sản Tp. Hồ Chí Minh, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cá bống tượng (Oxyeleotris marmorata Bleeker 1852) loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, ngoài sinh sống tự nhiên chúng còn được nuôi nhân tạo với mục đích làm kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình ương nuôi cá bống tượng còn nhiều khó khăn, trở ngại về con giống, thức ăn, kĩ thuật nuôi và bệnh, trong đó vấn đề khó khăn nhất hiện nay là sản xuất giống cá bống tượng. Mặc dù đã thành công trong quá trình sản xuất giống cá bống tượng nhưng tỉ lệ sống còn thấp, đặc biệt là giai đoạn sau khi tiêu hết noãn hoàng cho đến 30 ngày tuổi (31,9 %). Nhận thấy ưu điểm của loài cá này có thể sống được vùng nược lợ có độ mặn dao động từ 4 đến 15 phần ngàn và ít xảy ra hội chứng lở loét, so với nuôi trong điều kiện nước ngọt thuần.
Vì thế, nghiên cứu này được thực hiện với mong muốn nâng cao tỉ lệ sống cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng cá bống tượng, đặc biệt giai đoạn từ 10 đến 45 ngày tuổi bằng việc xác định độ mặn và mật độ ương nuôi thích hợp.
Bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm 1: Khảo sát ảnh hưởng của độ mặn đến ương cá bống tượng
Giai đoạn 10 – 45 ngày tuổi: cá được 10 ngày tuổi, được uơng nuôi theo độ mặn của từng nghiệm thức, ở NT 2, 3 và 4: 3 ngày tăng 5 ppt đến khi đạt độ mặn của từng nghiệm thức.
- Nghiệm thức 1 (NT1): Độ mặn 0 ppt
- Nghiệm thức 2 (NT2): Độ mặn 5 ppt-
- Nghiệm thức 3 (NT3): Độ mặn 10 ppt
- Nghiệm thức 4 (NT4): Độ mặn 15 ppt
Thí nghiệm 2: Khảo sát ảnh hưởng của mật độ đến ương cá bống tượng ở độ mặn 10ppt
Giai đoạn 3 – 30 ngày tuổi
- Nghiệm thức 1 (NT1): 5 con/L
- Nghiệm thức 2 (NT2): 10 con/L
- Nghiệm thức 3 (NT3): 15 con/L
- Nghiệm thức 4 (NT4): 20 con/L,
Giai đoạn 30 – 45 ngày tuổi
- Nghiệm thức 1 (NT1): Mật độ 150 con/m2
- Nghiệm thức 2 (NT2): Mật độ 200 con/m2
- Nghiệm thức 3 (NT3): Mật độ 250 con/m2
- Nghiệm thức 4 (NT4): Mật độ 300 con/m2 .
Kết quả
Kết quả thí nghiệm cho thấy ương nuôi cá bống tượng giai đoạn 10 đến 45 ngày tuổi trong môi trường có độ mặn 10 ppt là phù hợp nhất, cá nuôi ở nghiệm thức này có tốc độ tăng trưởng và trọng lượng cao nhất. Đồng thời, tỉ lệ sống ở nghiệm thức này đạt giá trị cao nhất (NT3) đạt tới 92,37 % trong khi đó nghiệm thức 0 ppt (NT1) có tỉ lệ sống thấp nhất là 14,60 %, kế đến là 5 ppt (NT2) là 51,43 % và ở 15 ppt (NT4) là 86,80 %.
Giai đoạn 3 – 30 ngày tuổi, cá bống tượng ương ở mật độ 15 con/L đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Ở giai đoạn 30 – 45 ngày tuổi, ở mật độ ương 150 con/m2 (NT1) sức tăng trưởng cao nhất với chiều dài và trọng lượng lần lượt là 23,9 mm và 252,0 mg, kế đến là nghiệm thức có mật độ 200 con/m2 (NT2) với chiều dài và trọng lượng tương ứng là 23,3 mm và 249,2 mg.
Tỉ lệ sống của cá giai đoạn 30 – 45 ngày tuổi cho kết quả khá cao dao động từ 71,8 – 92,6 %. Trong đó, nghiệm thức NT4 (71,8 %) thấp nhất và khác biệt với các nghiệm thức còn lại. Các nghiệm thức còn lại là NT1 (92,6 %), NT2 (91,0%), NT3 (84,4%) có tính tương quan bắt cầu với nhau, dù NT1 và NT3 khác biệt hoàn
Ở đây NT1 dù cho kết quả tốt nhất và cao hơn NT2 nhưng vì khác biệt không ý nghĩa với NT2 nên ta chọn nghiệm thức NT2 làm nghiệm thức tốt nhất vì giá trị kinh tế mang lại cao hơn (200 con/m2 so với 150 con/m2 ). Do đó, khi ương nuôi cá bống tượng từ 3 – 30 ngày tuổi nên ương ở mật độ 15 con/L và ở giai đoạn 30 – 45 ngày tuổi nên ương 200 con/m2 để mang lại giá trị kinh tế tốt nhất.
Theo Tạp chí KHKT Nông Lâm Nghiệp.