Độ mặn và thành phần vi khuẩn trong RAS nuôi tôm có ảnh hưởng với nhau như thế nào - Phần 1
Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) là loài tôm được nuôi nhiều nhất trên toàn thế giới.
Môi trường sống bản địa của chúng là bờ biển phía đông Thái Bình Dương của Nam Mỹ với nhiệt độ nước trung bình trên 20℃ và độ mặn 34–37ppt. Trong nuôi trồng thủy sản, tôm thẻ chân trắng thường được nuôi trong các ao ở nhiệt độ nước từ 26–32℃, chủ yếu ở Nam Mỹ và Châu Á. Bằng cách phát triển các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn trên cạn (RAS), việc sản xuất tôm thẻ chân trắng cũng trở nên khả thi ở các nước Bắc Âu và Bắc Mỹ trong các trang trại ở đất liền, không phụ thuộc vào nước biển tự nhiên.
Những thách thức chính của việc nuôi tôm trong RAS là duy trì nhiệt độ nước cao và độ mặn thích hợp. Vì tôm thẻ chân trắng có thể chịu được độ mặn thấp hoặc trung bình, hệ thống tuần hoàn cho tôm giai đoạn hậu ấu trùng thường được vận hành ở độ mặn 10–15ppt để giảm chi phí cho muối biển nhân tạo và lượng nước thải nhiễm mặn. Điều này góp phần hơn nữa vào tính bền vững của sản xuất tôm. Tuy nhiên, ngay cả khi tôm chịu được độ mặn thấp, khả năng miễn dịch bẩm sinh của chúng có thể bị triệt tiêu khi độ mặn trong nước giảm, đặc biệt là khi thành phần ion dưới mức tối ưu.
Trong hệ thống RAS nước mặn và nước lợ, rất nhiều loài Vibrio spp. có thể được tìm thấy. Đây là những vi khuẩn phổ biến, chiếm đến 40% tỷ lệ cộng đồng vi khuẩn. Một số Vibrio spp. tạo thành một phần của hệ vi sinh tự nhiên ở cá và động vật có vỏ, nhưng một số khác có thể hoạt động như tác nhân gây bệnh cho tôm hoặc cá có vây. Trong đó, V.alginolyticus, V.campbellii, V.harveyi, V.owensii và V.parahaemolyticus là những mầm bệnh tiềm ẩn cho tôm. Một số loài Vibrio cũng được biết là có khả năng gây bệnh cho người, đặc biệt là V.cholerae, V.parahaemolyticus và V.vulnificus.
Nghiên cứu này báo cáo ảnh hưởng của độ mặn (15ppt và 30ppt) trong hệ thống nuôi RAS đến thành phần của Vibrio spp. Ngoài ra, các yếu tố gây bệnh của các loài chính được phát hiện ở mỗi độ mặn được phân tích để đánh giá nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của tôm và an toàn thực phẩm.
Thành phần vi khuẩn khác nhau đáng kể tùy thuộc vào độ mặn của nước. Quần thể Vibrio spp. sẽ thay đổi sang các loài gây bệnh khi độ mặn giảm, làm tăng nguy cơ bệnh tôm và các vấn đề an toàn thực phẩm tiềm ẩn. Ảnh foodsafety
Các mẫu nước được phân tích có nguồn gốc từ sáu RAS thả nuôi tôm thẻ chân trắng ở các giai đoạn khác nhau và trong các điều kiện sản xuất khác nhau. Ba RAS được duy trì ở độ mặn 30ppt, và ba RAS được duy trì ở độ mặn 15ppt. RAS 1, 3, 5 và 6 được đặt tại các cơ sở nghiên cứu khác nhau. RAS 1 và RAS 3 gồm 3 bể chứa 100 lít. RAS 5 và RAS 6 gồm 3 bể chứa 70 lít. RAS 2 gồm 2 bể chứa 7000 lít, và RAS 4 gồm 4 bể chứa 88000 lít. Các mẫu nước từ mỗi bể chứa của cả hai RAS đều được phân tích.
Trong những năm gần đây, nuôi tôm thẻ chân trắng đang phát triển (ở quy mô tương đối nhỏ) ở các nước Bắc Âu trong các hệ thống tuần hoàn trên đất liền xa biển. Việc duy trì chất lượng nước bằng hóa chất và vi sinh tối ưu là rất quan trọng đối với sức khỏe của tôm trong RAS, đặc biệt khi chỉ thay một lượng nước thấp trong suốt quá trình nuôi. Các vấn đề về nhiệt độ nước và chất lượng nước, chẳng hạn như nồng độ amoniac và nitrit tăng lên cũng như nồng độ pH dưới mức tối ưu, có thể dẫn đến tôm mẫn cảm hơn với các bệnh do vi khuẩn, chẳng hạn như do V.alginolyticus gây ra.
Nguồn: Dr. Julia Bauer Dr. Felix Teitge Lisa Neffe, M.S. Dr. Mikolaj Adamek Dr. Arne Jung Christina Peppler Dr. Dieter Steinhagen Dr. Verena Jung-Schroers. Differing water salinities can shift bacterial composition in RAS shrimp production, Global Seafood Alliance, Health&Welfare Categories, 17 January 2022.