TIN THỦY SẢN

Doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua tôm nguyên liệu

Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu và tăng cường ký các đơn hàng xuất khẩu tôm vào Mỹ PV

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố thuế chống bán phá cuối cùng đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức 4,58%, thấp hơn 5 lần so với dự kiến ban đầu.

Theo kết quả sơ bộ được DOC công bố vào tháng 3/2018, thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam là hơn 25%. Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) – bị đơn bắt buộc duy nhất của đợt xem xét hành chính lần này có mức thuế là 4,58%. Đây cũng là mức thuế áp dụng cho hơn 30 doanh nghiệp tôm Việt Nam còn lại là bị đơn của vụ kiện. 

Đại diện Công ty Cổ phần FIMEX (tỉnh Sóc Trăng), bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét lần này, cho biết, lý do mức thuế cuối cùng giảm dưới 5% là nhờ sự đánh giá khách quan của DOC, đặc biệt là nhờ những giải trình hợp lý về giá thành từ phía doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, việc mức thuế POR12 được điều chỉnh xuống dưới 5% sẽ giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới, nhất là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ phục vụ cho các dịp lễ Tết cuối năm.

Sau hơn 8 tháng bị chững lại, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu và tăng cường ký các đơn hàng xuất khẩu tôm vào Mỹ. Nhờ vậy, giá tôm nguyên liệu, đặc biệt là tôm thẻ, mặt hàng thường được xuất khẩu vào Mỹ, đã tăng từ 10 - 15% so với cách đây 5 tháng, lên hơn 90.000 đồng/kg tùy loại.

Đến hết tháng 8/2018, xuất khẩu tôm của nước ta sang Mỹ đạt hơn 340 triệu USD. Từ tín hiệu lạc quan nói trên, các doanh nghiệp dự báo, ngành tôm Việt Nam có khả năng mang về nguồn ngoại tệ hơn 600 triệu USD từ thị trường này trong năm 2018.

Hiện Mỹ là một trong những thị trường lớn nhập khẩu tôm Việt Nam với kim ngạch đạt trên 600 triệu USD/năm. Do đó, việc áp mức thuế chống bán phá giá hiện nay là điều kiện thuận lợi để tôm Việt Nam có thể cạnh tranh xuất khẩu tại thị trường này.

PV VTV