Doanh nghiệp ngành tôm: Đối diện thách thức giá, khó khăn thị trường truyền thống
Ngoại trừ CMX, biên lợi nhuận gộp của DNNY ngành tôm đã giảm mạnh trong quý II/2012; kim ngạch xuất khẩu tôm vào 3 thị trường chủ lực giảm. Thế giới trúng mùa tôm.
Khó khăn từ thị trường tiêu thụ truyền thống
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1.216 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3 thị trường tiêu thụ tôm chủ lực của Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, EU đã giảm giá trị nhập khẩu tôm Việt Nam trong tháng 7 – trong đó Nhật Bản bắt đầu giảm trong tháng 7 này.
Tính chung 7 tháng, giá trị xuất khẩu tôm sang EU giảm mạnh nhất, tuy nhiên, chỉ riêng tháng 7, Mỹ sụt giảm cao nhất 26,7%.
Trong năm 2011, Mỹ được xem là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MCK: MPC) là doanh nghiệp dẫn đầu ngành tôm, và thị trường Mỹ là thị trường chủ lực của doanh nghiệp này.
Mặc dù báo cáo MPC cho thấy giá trị xuất khẩu của công ty này 7 tháng đầu năm là tăng gần 31% với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự sụt giảm của thị trường Mỹ sẽ là thách thức đối với MPC trong thời gian tới.
Nhật Bản và Hoa Kỳ là thị trường chính của CTCP Thực phẩm Sao Ta (MCK: FMC),vì vậy, kim ngạch xuất khẩu tôm vào 2 thị trường này nếu tiếp tục giảm trong thời gian tới doanh thu của FMC sẽ bị ảnh hưởng nếu công ty chưa có sự chuẩn bị.
Tuy nhiên, sự sụt giảm của 3 thị trường chủ lực đã được bù đắp bởi sự tăng trưởng của các thị trường Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ với giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2012 đã tăng từ 8,2% - 48,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thách thức từ giá
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm của 3 doanh nghiệp niêm yết ngành tôm, nằm trong top 10 các doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam cho thấy:
Xét chung 6 tháng, ngoại trừ MPC hợp nhất, MPC mẹ và FMC, CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cà Mau (MCK: CMX) có biên lợi nhuận gộp tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xét trong quý II/2012, ngoại trừ CMX và MPC mẹ, biên lợi nhuận gộp của FMC và MPC hợp nhất đã giảm.
Nguồn: BCTC quý II các doanh nghiệp
MPC vẫn là doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao nhất. Theo Báo cáo thường niên năm 2011 của MPC, công ty theo đuổi chiến lược tăng trưởng trong đó từng bước khép kín quy trình, tăng công suất chế biến....
FMC là doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp thấp. FMC cho biết, cũng như quý I/2012, sự cố kháng sinh ở Nhật Bản khiến việc mua bán bị ngưng trệ, gián đoạn; bán hàng thành phẩm dự trữ trong kho vỡ kế hoạch tiêu thụ, đồng thời từ đầu năm đến nay giá tôm trên thế giới không ngừng sụt giảm khiến hàng hàng tồn kho phải hạ thấp.
Về tỷ trọng chi phí lãi vay/doanh thu thuần (nguồn: BCTC quý 2 của các doanh nghiệp)
Thêm vào đó, tôm nuôi bị dịch bệnh thiệt hại trên diện rộng khiến tôm nguyên liệu giữ giá khá cao so với giá tiêu thụ tôm thành phẩm.
Một yếu tố quan trọng là tôm thế giới trúng mùa khiến giá tôm thế giới sụt giảm nặng nề kéo dài từ đầu năm đến nay. FMC cho biết, vẫn chưa có dấu hiệu khả quan về giá tôm.
Rõ ràng, nếu tình trạng tôm nguyên liệu giữ giá cao, trong khi giá tôm thế giới vẫn ở mức thấp, biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành tôm khó mà cải thiện. Bên cạnh đó, chưa có dấu hiệu khả quan về thị trường xuất khẩu chủ lực, doanh nghiệp phải tìm kiếm và gia nhập các thị trường nhỏ bé hơn, qua đó chi phí bán hàng, marketing sẽ tăng.
Ngoài ra, hiện tỷ lệ chi phí lãi vay/doanh thu thuần của các doanh nghiệp trong ngành ở mức khá cao. Bởi 3 doanh nghiệp niêm yết, bình quân tỷ lệ biên lợi nhuận gộp/doanh thu thuần của khoảng 9,2% (quý II/2012), tỷ lệ chi phí lãi vay/doanh thu thuần khoảng 4,64%.
Vì vậy dù cho kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2012 sẽ tăng về giá trị và sản lượng, các doanh nghiệp trong ngành không phải dễ dàng vượt qua thách thức hiện tại về giá đầu vào, đầu ra và chất lượng tôm - quy trình nuôi trồng chế biến tôm và gánh nặng nợ.