TIN THỦY SẢN

“Đội taxi” đi biển

Ông Lê Mến trên một tàu hậu cần của gia đình. Ảnh: G.T Gia Tưởng

Là người khai sinh ra ngành dịch vụ hậu cần nghề cá, hỗ trợ đắc lực sự phát triển của ngư dân miền Trung, cha con ông Lê Mến - Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) hiện có một đôi tàu dịch vụ hậu cần lớn nhất miền Trung, 3 tàu công suất lớn cùng nhiều tàu đánh bắt xa bờ thuộc biên chế gia đình. Để vận hành một cách trơn tru đội tàu hậu cần và đánh bắt, làm ra của cải, phải cần những bộ óc dám nghĩ dám làm và hiểu tường tận về biển khơi...

“Đội taxi” đi biển

Năm nay tuy đã ngoài 60 tuổi, và đã hơn 40 năm đạp sóng Hoàng Sa, ông Lê Mến nhìn vẫn như thanh niên, nói chuyện ầm oàng đúng dân “ăn sóng nói gió”. Trong đám đông, bao giờ ông cũng là người nổi bật nhất. Ông kể với tôi về quá trình thành lập đội tàu ví như taxi chạy trên biển của mình, bắt đầu từ những chiếc ghe nhỏ.

“Trước năm 1975, tôi cũng đi làm biển, nhưng hồi đó chỉ đánh cá ven bờ với những chiếc ghe nhỏ công suất máy cực thấp, thường đi đánh cá 2 ngày lại về một lần, số lượng cá bị hư hỏng do không được bảo quản khá nhiều. Từ đó tôi nghĩ, mình phải đi làm nghề dịch vụ, đi thu mua cá cho bà con và mang đá lạnh, cùng dầu, gạo, thuốc men để bà con có thể bám biển”.
Năm 2006, nhu cầu thu mua hải sản và phục vụ ngư dân đánh bắt trên biển ngày càng tăng, nhất là đối với ngư trường Hoàng Sa. Ông Mến quyết tâm đóng con tàu lớn ĐNa 90424 có công suất 520CV. Khi có con tàu lớn này, ông Mến bắt đầu vươn khơi xa hơn ở ngư trường Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ để thu mua hải sản và cung cấp nhiên liệu, thực phẩm cho ngư dân. Mỗi chuyến ra khơi, tàu cung cấp hàng trăm cây đá, dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho ngư dân. Nhờ sự hỗ trợ này, ngư dân lời từng chuyến biển, tiết kiệm phí tổn, thu nhập tăng lên, có thời gian bám biển dài hơn...

Từ năm 2012, UBND TP.Đà Nẵng chú trọng phát triển ngành thủy sản theo hướng khai thác xa bờ; ban hành Quyết định số 7068/2012/QĐ-UBND về hỗ trợ đóng mới tàu khai thác xa bờ cho ngư dân. Ngư dân Lê Mến quyết định đầu tư thêm con tàu hậu cần khác, đó là tàu ĐNa 90444 có công suất 1.160CV. Nhớ lại lúc quyết định đóng tàu hậu cần lớn, lão ngư Lê Mến tâm sự: “Khi dấn thân vào nghề, mới biết ngư dân trên biển cần gì, thiếu gì. Những con tàu hậu cần trước đây chỉ cung cấp phần nào đó trong khi nhu cầu của ngư dân rất lớn, đặc biệt là làm sao để cá biển vào đất liền và đến tận tay người tiêu dùng vẫn tươi ngon. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn đầu tư”.

Không dừng lại ở đó, cuối năm 2016 ông Mến lại tiếp tục cho ra đời con tàu dịch vụ thứ 3 của gia đình mình với tổng trị giá kinh phí lên 7,2 tỷ đồng. Đây là con tàu gỗ có lẽ hiện đại và lớn nhất miền Trung, ngoài những thiết bị đi biển hiện đại, nó còn được trang bị nhà tắm, nhà vệ sinh, đảm bảo cho những thuyền viên có một cuộc sống tốt và an toàn nhất.

Nói về “đội taxi” chạy trên biển của gia đình, ông Mến tâm sự: “Nhà tôi làm nghề dịch vụ hậu cần, có những điều linh hoạt mà các cơ quan nhà nước khó thực hiện, ví dụ: Tàu có người ốm đau trên biển, kêu tới tàu hậu cần; dù ở cách xa vài chục hải lý, khi nhận được điện thì kiểu gì chúng tôi cũng chạy đến để đưa vào bờ. Từ khi tôi làm nghề chưa từ chối bất cứ trường hợp cấp cứu của ngư dân nào. Hay khi làm nghề trên biển, ai có việc phải về nhà, tôi cũng rước vô bờ, rồi đưa ra tận bến xe để về quê. Những chi tiết máy hỏng, cần sửa chữa thay thế cứ điện vào bờ là nhà tôi mua và đưa cả thợ ra sửa. Rồi tặng rau, tặng thịt, tặng bia, cung cấp nước ngọt cho bà con... với ước tính mỗi tháng tốn hơn 100 triệu đồng, tất cả đều miễn phí. Chỉ duy nhất tôi thu tiền dầu và tiền đá lạnh. Có hỗ trợ như vậy, họ mới gắn bó với mình”.

Gia đình ông Mến đang tạo công ăn việc làm cho 50 lao động, với 35 người trực tiếp đi biển và 15 người làm công tác bán cá ở chợ cá Thọ Quang. 50 lao động này được bao ăn ở, thu nhập hàng tháng từ 8 - 17 triệu đồng/người, tùy thuộc vào mùa vụ đánh bắt. Ông Mến bảo, những lao động làm cho nhà ông, sau 3 năm chưa ai là không tiết kiệm được 300 triệu đồng. Không chỉ là ông chủ lo trả lương, ông còn là người quản lý, bảo ban những người lao động của mình phải biết tiết kiệm, không ăn chơi cờ bạc, làm ra tiền là phải đưa về với vợ con, ai vi phạm sẽ bị cho thôi việc... 

Hổ phụ sinh hổ tử

ngư dân Lê Văn Sang

Ngư dân Lê Văn Sang tự hào nhận Giải Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.  Ảnh: D.T

Lê Văn Sang đang ấp ủ đưa sản phẩm cá sạch của mình ra thị trường miền núi và các tỉnh phía Bắc. “Với “chiến thuật” mỗi suất cá chỉ với giá thành 30.000 đồng, thì ai cũng có thể ăn hải sản được chứ không phải chỉ dành cho những quán ăn đắt tiền, hay phải xuất khẩu giá rẻ vì công nghệ chế biến bảo quản thô sơ làm giảm giá trị” - Sang chia sẻ.

Nếu như ông Lê Mến làm người ta biết tới về sự táo bạo của một người ngư dân dám nghĩ dám làm, thì con trai ông - Lê Văn Sang (sinh năm 1985) lại đại diện cho thế hệ ngư dân mới, mà tôi gọi là “ngư dân của thời kỳ hội nhập và công nghệ”.

Ngoài thương hiệu cá sạch Sang fish, hiện nay Sang đang chuẩn bị cho ra khơi một cặp tàu đánh bắt mới, với một con tàu sắt trị giá 22 tỷ đồng hiện đại (có máy tự làm nước đá và nhiều thiết bị điện tử khác); thuê lại một tàu của ngư dân Khánh Hòa. Sang nói: “Em đầu tư 2 tàu này để tập trung đánh bắt con lươn biển, xuất khẩu sang Hàn Quốc”.

Sang say sưa kể với tôi về con lươn biển, nó là sinh vật sống dai nhất trên thế giới. Theo nghiên cứu, lươn biển tồn tại 350 triệu năm, sống ở độ sâu 500m, chỉ ăn xác thối. Toàn thân nó chứa hàm lượng collagen cực cao, đặc biệt nhớt của loại sinh vật này được dùng để dệt áo giáp chống đạn và đồ lặn cao cấp vì nó có độ đàn hồi cao và có sức bền gấp 11 lần so với thép.

Để chuẩn bị thu phục giống hải sản mới, Sang đã đặt sản xuất hệ thống lồng tại nhà máy chế tạo ở Quảng Ninh, dây thả lồng của Thái Lan. Trên cặp tàu của Sang, các hầm hàng cũng được ngăn nhỏ để nuôi lươn biển được tươi sống. “Đây là giống hải sản mới, vô cùng phàm ăn, mình chỉ cần xay cá mồi bỏ vào lồng, rồi thả xuống độ sâu 500m là chúng tự chui vào, chỉ cần thả rọ qua một đêm là có thể kéo lên được. Kiểu đánh bắt này khá nhàn, nếu thành công được với con lươn biển này, sẽ mở ra hướng đi mới cho ngư dân. Hiện nay, các quán nhậu đã bắt đầu bán món này với giá thành 750.000 đồng/kg; xuất khẩu sang Hàn Quốc khoảng 30 USD/kg. Do nhu cầu thị trường bên Hàn Quốc rất lớn, nên lươn biển phải đi máy bay mới đáp ứng được  sự mong chờ của khách hàng” - Sang kể.

Ngồi nói chuyện với tôi Sang chia sẻ thêm: Nước mình công nghệ đánh bắt tuy còn lạc hậu, nhưng cũng chưa  bằng công nghệ sau bảo quản và chế biến. Nhiều khi nhìn  hải sản hư hỏng mà đau xót lắm... Ước mơ của Sang là giờ có  khoảng 500 tỷ đồng, sẽ đóng một con tàu, làm nhà máy chế biến nổi ngay trên mặt biển. Tàu ngư dân đi đến đâu, mình đưa nhà máy đi tới đó, hải sản được chế biến tươi nguyên trong ngày, có như vậy thì mới nâng cao được giá trị của hải sản nước nhà...

Nếu có thời gian, tôi có thể ngồi cả ngày nghe những ước mơ và dự định về biển cả của cha con ông Mến mà không thấy chán. Nhưng qua cuộc trò chuyện, tôi biết chắc một điều rằng, nếu làm biển bằng đầu óc và công nghệ, nhất định ngư dân có thể làm giàu được từ những vùng biển của Việt Nam rộng hàng triệu km2  với những ngư trường giàu có như Hoàng Sa, Trường Sa... 

Gia Tưởng Báo Dân Việt