TIN THỦY SẢN

Đón đầu công nghệ 4.0

Áp dụng công nghệ 4.0 vào nuôi trồng thủy sản là xu thế tất yếu và hướng đi bền vững. Ảnh: FARMEXT Anh Chi

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Việt Nam phải tiếp cận nông nghiệp 4.0 bình tĩnh và thông minh trên cơ sở lựa chọn ngành hàng hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thân cho người nông dân và xã hội.

Chất lượng nuôi trồng

Để tăng sản lượng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa thì việc tăng diện tích nuôi trồng là điều tất yếu, nhưng nếu chỉ tăng diện tích thì chi phí sản xuất cũng sẽ tăng cao và nguy cơ ô nhiễm cũng tăng theo.

Một số chuyên gia ở ĐBSCL chia sẻ, thực tế một vài diện tích nuôi trồng ở các địa phương (ít dịch bệnh) đang được khai thác tối đa, trong khi, tại các địa phương bị dịch bệnh còn nhiều thì diện tích nuôi trồng thực tế cũng ít, thậm chí hiện tượng “treo ao” rất phổ biến. Diện tích nuôi tôm cũng còn được xét ở khía cạnh chất lượng, trong tổng diện tích nuôi tôm thì diện tích nuôi tôm theo công nghệ cao ngày càng trở nên quan trọng vì thu hút nguồn vốn lớn và tạo ra sản lượng ổn định cho xuất khẩu. Triển khai Đề án “Quy hoạch vùng nuôi thẻ chân trắng” do UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, huyện Cần Giờ đã chi gần 397 ha trân tổng số 2.400 ha quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng được đưa vào sản xuất. Trong đó, mô hình nuôi tôm nghệ cao CPF-Turbo Program là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới lan, ao được lót bạt, thiết kế hố xi phong… và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học nhằm đạt mục tiêu “3 cao, 1 thấp và không thất bại”. 3 cao là: tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ sống cao và số vụ nuôi cao; 1 thấp là FCR thấp và không thiệt hại. Còn chương trình 3 sạch là: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch.  Nuôi tôm công nghệ cao được phát triển mạnh ở Bạc Liêu, Cà Mau và nhiều tỉnh thành khác, góp phần tăng trưởng diện tích nuôi tôm, đồng thời gắn với đổi mới công nghệ, thu hút nguồn vốn và tạo ra năng suất, sản lượng vượt trội so với trước kia.

Về công nghệ 4.0 trên thế giới đã và đang được áp dụng mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có ngành nuôi trồng thủy sản; điển hình như tại Israel, châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan... không chỉ mang lại chất lượng tốt, năng suất cao, mà còn tạo ra nhiều giá trị vượt trội khác trong vấn đề quản lý, nhân sự, quản lý an toàn thực phẩm… Hiện, Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến với lĩnh vực này. Nhiều người dân đã tiếp cận quản lý ao nuôi thông qua phần mềm và kiểm soát chất lượng nước qua thiết bị đo tự động từ FAMEXT. Việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ này góp phần quản lý tốt chất lượng nước nuôi và quản lý tốt chất lượng nước. 

Sản phẩm giá trị gia tăng

Khi thủy sản chiếm lĩnh được nhiều thị trường trên thế giới, đồng nghĩa với việc, sản phẩm thủy sản cũng được nâng cấp và đa dạng hóa, đáp ứng được nhu cầu thị trường nhập khẩu. Chính vì vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ đang được xem là kim chỉ nam để các doanh nghiệp chế biến thủy sản phát triển bền vững. Tuy nhiên, để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải có giải pháp công nghệ phù hợp với mục tiêu phát triển, đặc biệt khi nhắm tới các thị trường xuất khẩu khó tính như Nhật, Mỹ, EU...

Trong xu thế phát triển công nghệ hiện đại ngày nay, sự hợp tác giữa Tập đoàn Minh Phú và Schneider Electric là một trong những giải pháp mang lại hiệu suất cao, hoạt động ổn định và liên tục, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, chi phí và thân thiện với môi trường. Giải pháp dự phòng nguồn UPS-3 pha của Schneider Electric là một ví dụ tiêu biểu. Giải pháp này bảo đảm cho hệ thống phân loại tôm của nhà máy Minh Phú Hậu Giang hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả, giữ cho quy trình phân loại tôm không bị gián đoạn, đồng thời duy trì tính chính xác trong phân loại nguyên liệu đầu vào - điều mà các giải pháp trước đây của nhà máy chưa thực hiện tốt. 

Nhằm khai thác thế mạnh về công nghiệp chế biến thủy sản, tỉnh Bạc Liêu đang mời gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy chế biến thủy sản. Đặc biệt, khuyến khích phát triển các dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại tiết kiệm năng lượng, ít gây ô nhiễm, chế biến các mặt hàng mới, có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu. Trên lĩnh vực thủy sản, theo tinh thần Nghị quyết 03-NQ/TU tỉnh Bạc Liêu không có chủ trương phát triển thêm cơ sở sản xuất mới mà tập trung chấn chỉnh lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản hiện có trên địa bàn tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất; chú trọng nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Chủ trương này của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Nếu như trước đây các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, chủ yếu là sơ chế, đóng bao và xuất khẩu nguyên liệu thô thì đến năm 2016 đã có 21 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, với quy mô khá lớn và dây chuyền thiết bị hiện đại. Các sản phẩm tôm đông lạnh đã được chế biến sâu và thâm nhập được nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… và nhiều thị trường khác trên thế giới.

Anh Chi TSVN