Đồng Nai: Xây dựng làng cá bè sinh thái
Mục tiêu của TP.Biên Hòa trong “Quy hoạch làng cá bè phù hợp cảnh quan, sinh thái trên sông Đồng Nai thuộc TP.Biên Hòa đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” là tạo được cảnh quan sinh thái kết hợp phát triển du lịch đường sông của thành phố. Tuy nhiên, thực tế phát triển làng bè chưa phù hợp với quy hoạch vì tình trạng dôi dư hàng trăm lồng bè; lồng bè xuống cấp; nỗi lo ô nhiễm nguồn nước từ các bè nuôi cá...
UBND TP. Biên Hòa đã quan tâm đến việc phát triển các làng nuôi cá bè trên địa bàn sau giai đoạn 2020. Định hướng của thành phố là vẫn để các làng bè tồn tại nhưng phải thực sự đạt chuẩn làng bè sinh thái phù hợp với cảnh quan và định hướng phát triển của thành phố lớn.
* Chấn chỉnh hoạt động làng bè
Theo quy hoạch, tổng số bè được neo đậu ở sông Cái (TP.Biên Hòa) là 319 bè. Trong đó, phường Hiệp Hòa có 259 bè, phường Long Bình Tân có 60 bè, không có lồng nuôi thủy sản kèm theo.
Theo ông Huỳnh Đức Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa, tính đến cuối tháng 7-2019, trên sông Cái (phường Hiệp Hòa) có 387 bè, 834 lồng, xổng; nhánh sông Đồng Nai thuộc phường Long Bình Tân có 88 bè. Như vậy, tổng số bè là 475 bè, dôi dư 156 bè và 834 lồng, xổng so với quy hoạch. Trong đó, bè cũ không đảm bảo có 30 bè, bè trống không sử dụng có 30 bè.
Đây cũng là nguyên nhân của vụ cá chết hàng loạt năm 2016 tại làng bè Hiệp Hòa vì lượng cá thả nuôi thời điểm đó vượt từ 2-8 lần so với quy hoạch. “Việc quan trắc, kiểm tra mẫu nước ở khu vực nuôi cá bè được thực hiện hằng tháng, hằng quý. Đặc biệt làng nuôi cá bè tại phường Hiệp Hòa nằm gần Nhà máy nước Đồng Nai nên địa phương chú trọng xử lý các vi phạm về môi trường trong hoạt động nuôi cá bè. Tuy nhiên, tình trạng người dân sinh sống trên bè xả rác thải, nước thải trực tiếp ra sông rất khó quản lý vì ở quy mô nhỏ” - ông Vinh nói.
Chỉ ra những khó khăn trong quản lý hoạt động làng bè, bà Nguyễn Thị Duyên, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa cho biết thêm: “Hoạt động nuôi cá bè vẫn phát triển tự phát nên địa phương rất khó xử lý tình trạng các bè, lồng xổng lấn luồng giao thông đường thủy vì người dân không hợp tác. Các chủ bè cũ bán lại bè cho người dân ở tỉnh khác về khá phổ biến cũng gây không ít khó khăn trong công tác quản lý”.
Qua nhiều năm thực hiện quy hoạch, các làng nuôi cá bè của Biên Hòa không tạo được cảnh quan sinh thái để làm du lịch do nhiều nguyên nhân như: người dân nuôi cá bè không đúng chuẩn, không nâng cấp cải tạo bè, bè dôi dư nhiều…
Ngoài ra, một số vấn đề về môi trường vẫn còn tồn tại như: các hộ nuôi vẫn sử dụng phế phẩm nội tạng động vật làm thức ăn cho cá có khả năng gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý đồng bộ, các bè nuôi vẫn trực tiếp xả nước thải, rác thải sinh hoạt ra sông không qua xử lý…
* Xây dựng làng bè sinh thái
Bày tỏ quan điểm về định hướng phát triển các làng nuôi cá bè tại TP.Biên Hòa trong giai đoạn mới, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, TP.Biên Hòa đã họp với các sở, ngành bàn về quy hoạch sắp tới của hoạt động nuôi cá bè trên địa bàn thành phố sau giai đoạn 2020.
Định hướng của thành phố là vẫn để các làng bè tồn tại nhưng phải thực hiện đúng theo quy hoạch về số hộ, số lồng bè. TP.Biên Hòa cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho UBND phường Hiệp Hòa và Long Bình Tân thẩm tra, rà soát lại, những bè không đạt chuẩn, bè dôi dư sẽ bị cưỡng chế dỡ bỏ. Các hộ nuôi còn lại phải nuôi đúng quy chuẩn hướng dẫn, hướng đến nuôi cá bè áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, có đầu tư hệ thống xử lý nước thải trên bè, có hệ thống điện chiếu sáng an toàn...
Về vấn đề phát triển làng cá bè của TP.Biên Hòa trong tương lai, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Lê Văn Gọi góp ý, nên duy trì hoạt động của các làng nuôi cá bè vì các làng bè này tồn tại đã lâu, góp phần giải quyết kinh tế, xã hội cho một bộ phận không nhỏ người dân. Tuy nhiên, phải khắc phục được các vấn đề còn tồn tại về môi trường, an ninh trật tự... “Quy hoạch phát triển làng bè trong giai đoạn mới phải gắn với cảnh quan môi trường và phát triển du lịch. Vì theo định hướng, hoạt động chăn nuôi sẽ thu hẹp lại nhưng nếu gắn với phát triển du lịch thì hiệu quả kinh tế vẫn cao” - ông Lê Văn Gọi cho hay.
Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu: Tuy Biên Hòa quy hoạch làng cá bè đến năm 2020 nhưng ngay từ năm 2019, địa phương phải quan tâm đến việc đánh giá lại hoạt động của làng bè. Nếu mô hình này còn phù hợp thì vẫn tiếp tục phát triển trên cơ sở hạn chế những mặt còn chưa tốt. Địa phương phải quan tâm đến việc đánh giá lại tác động về môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn nước để đề ra hướng phát triển phù hợp cho mô hình nuôi cá bè trong giai đoạn tiếp theo.