Đóng Tàu 67: Vay vốn nghẽn ở đâu?
“Tàu 67” đã có, nhưng chưa nhiều, mặc dù ngư dân muốn được vay vốn và ngân hàng luôn sẵn sàng. Vậy đâu là “điểm nghẽn” vốn tín dụng NĐ67? Thực tế cho thấy, “nút thắt” chính nằm ở khâu thiết kế mẫu tàu và quy trình phê duyệt hồ sơ ở địa phương, vốn đối ứng của ngư dân.
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam, Trần Quang Hổ cho biết, tính đến ngày 15/6/2015, tại Quảng Nam, các NHTM đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 8 tàu cá tại địa phương với tổng giá trị cam kết đầu tư là 80,7 tỷ đồng. “Các NHTM trên địa bàn đã tiếp nhận 27 hồ sơ vay vốn, trong đó đã ký hợp đồng tín dụng với 4 chủ tàu, tổng số tiền 61 tỷ đồng”, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Định Phan Phú Hải thông tin.
Còn tại Nghệ An tính đến ngày 15/6/2015, chi nhánh Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã làm việc với 56/68 chủ tàu trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó đã tiếp cận nhưng chưa nhận được hồ sơ vay vốn 30/68 chủ tàu. Tiếp nhận hồ sơ vay vốn 22/68 chủ tàu, ký kết 04 hợp đồng tín dụng theo Nghị định 67 với số tiền cam kết cho vay là 20,1 tỷ đồng. “NHNN chi nhánh Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn; tham gia đối thoại với ngư dân nhằm nắm bắt những khó khăn vướng mắc của ngư dân”, ông Cao Văn Hợi, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An nói.
Tiền đợi tàu. Vì sao?
Ngư dân Đỗ Văn Thành, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) - người có gần 20 năm làm nghề đi biển chia sẻ: Dựa trên thiết kế mẫu tàu 600 CV của Bộ NN&PTNT, tôi và 3 ngư dân nữa ở cùng quê đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn tại BIDV chi nhánh Quảng Nam đóng tàu sắt 829 CV. Vì cùng đóng tàu sắt tại Công ty Việt Hàn ở Hải Phòng, được công ty hỗ trợ nên ngư dân tiết giảm được chi phí. “Giá trị tàu sắt của tôi 13,5 tỷ đồng. Tôi đang mong đợi từng ngày để sớm được sử dụng chiếc tàu sắt 67 vươn khơi đánh bắt xa bờ”, anh Thành kể.
Ông Ngô Tấn, Phó Ban chỉ đạo NĐ 67 tỉnh Quảng Nam cho biết: “21 mẫu tàu của Bộ NN&PTNT đại diện cho các vùng biển trên cả nước, tuy nhiên do từng chủ tàu với kinh nghiệm, ngư trường, ngư dân muốn đóng tàu phù hợp với ngư trường đã quen để điều khiển con tàu được tốt nhất, nên vô hình trung làm kéo dài thời gian thực hiện và phát sinh phí điều chỉnh thiết kế đối với chủ tàu. Do vậy, việc thương thảo, thỏa thuận hợp đồng vay vốn giữa chủ tàu và các NHTM còn nhiều khó khăn vì chưa thống nhất được cách tính toán đánh giá phương án vay vốn khi chưa có thiết kế tàu, dự toán chi phí, hợp đồng đóng tàu”.
Về vốn đối ứng, theo quy định mức vốn tự có được quy định tối thiểu là 5% đến 30%, tùy từng loại tàu. Tương ứng với thực tế thì chủ tàu phải đảm bảo mức vốn đối ứng từ 450 triệu đồng đến trên 2 tỷ đồng/tàu vay vốn 67. Để có được mức vốn tự có trên, chủ tàu chỉ có thể huy động anh, em, bạn bè hoặc bán tàu cũ. Tuy nhiên, giá trị tàu cũ thường rất thấp trong khi việc huy động vốn không phải lúc nào cũng thực hiện một cách dễ dàng.
Do tàu sắt, composite có tỷ lệ vốn đối ứng thấp hơn so với tàu gỗ nên nhiều ngư dân đã chuyển sang làm thủ tục vay vốn tàu sắt, tàu composite. Tuy nhiên, tàu composite là vật liệu mới, chưa có “hình hài” một con tàu đánh cá nào cụ thể ở Quảng Nam để cho bà con ngư dân tham khảo. Ông Ngô Tấn đề xuất: Các ngư dân đóng tàu composite phải hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ càng qua thực tế xem vật liệu này có phù hợp với hình thức đánh bắt của ngư dân hay không chứ không phải chỉ dựa trên “lý thuyết”. Bên cạnh đó, mẫu tàu composite Bộ NN&PTNT vẫn chưa công bố thiết kế mẫu.
Vướng ở đâu?
Thực tế cho thấy việc triển khai Nghị định 67 vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty đóng tàu MTV Cam Ranh cho biết: Theo NĐ 67 ngư dân được hoàn thuế VAT trong trường hợp đóng tàu 400 CV trở lên. Nhưng theo Nghị định 12/2015/NĐ - CP và Thông tư số 26/2015/TT - BTC tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế. Do vậy đơn vị đóng tàu xuất hóa đơn cho ngư dân không có thuế VAT và thuế VAT liên quan đến tàu cá thì tính vào chi phí sản xuất. Điều này sẽ nâng giá thành đóng tàu cho ngư dân.
Một trong những khó khăn nữa trong việc tính giá thành đóng tàu, đối với tàu vỏ thép, đó là mặc dù Bộ NN&PTNT đã đưa ra giá khái toán đóng tàu nhưng thực tế giá thành tàu thường vượt dự toán của Bộ, gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình thẩm định. “Ví dụ về khối lượng thép tại dự toán mẫu tàu được Bộ NN & PTNT phê duyệt đối với mẫu tàu VM – 02 - BNN tàu lưới vây miền Trung là 70 tấn thép, thực tế triển khai lên tới hơn 98 tấn thép”, đại diện của Công ty đóng tàu MTV Cam Ranh cho biết.
Theo phản ánh thực tế tại địa phương, dự toán chi phí đóng tàu sắt có độ chênh nhau về giá rất lớn. Qua trao đổi với một số ngư dân ở Quảng Nam, Bình Định được biết, kinh phí dự toán đóng tàu sắt ban đầu chỉ từ 8-10 tỷ đồng/tàu (chưa gồm ngư lưới cụ), nhưng thực tế dự toán kinh phí đóng tàu và ngư lưới cụ mà các cơ sở đóng tàu đưa ra gần 20 tỷ đồng là quá cao. Tính ra, bình quân mỗi năm ngư dân phải trả nợ vay từ 1,8 - 2 tỷ đồng, rất khó đảm bảo trả nợ ngân hàng.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Võ Minh Tuấn, tính đến hết ngày 15/6/2015, các NHTM đã tiếp cận 807/838 tàu trong danh sách các địa phương phê duyệt để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn. Đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 75 tàu (đóng mới 70 tàu, nâng cấp 5 tàu) với tổng số tiền gần 721 tỷ đồng. Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60% - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu. Dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt trên 190 tỷ đồng.