TIN THỦY SẢN

Đột phá kinh tế thủy sản nhờ Nghị quyết 13

Nuôi tôm công nghiệp tại cơ sở của gia đình ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hoà (TP Móng Cái). Ảnh: Hữu Việt Hữu Việt

Để thúc đẩy ngành thuỷ sản trên địa bàn phát triển nhanh, mạnh, bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 6-5-2014 về phát triển kinh tế thuỷ sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nghị quyết 13 với mục tiêu phát triển thuỷ sản toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hoá phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị và bền vững, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế thuỷ sản chiếm 3% GDP của tỉnh, đóng góp 60-65% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp, giá trị sản xuất thuỷ sản đạt trên 6.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng sản xuất đạt từ 13-14%/năm... 

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, lĩnh vực thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất thuỷ sản đến năm 2016 đạt 8.395 tỷ đồng, chiếm 50% giá trị toàn ngành nông - lâm - ngư nghiệp, đóng góp 3,4% GRDP của tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân/năm giai đoạn 2014-2016 đạt 11,1%.

Sản xuất thuỷ sản phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đến hết năm 2016 đạt 20.690ha, tăng 590ha so với năm 2013, bằng 99,83% so với mục tiêu của Nghị quyết. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2016 đạt 50.000 tấn, tăng 16.650 tấn so với năm 2013, bằng 108,69% so với mục tiêu Nghị quyết. Trong đó, tổng diện tích nuôi tôm năm 2016 đạt 9.840ha, tăng 298ha so với năm 2013; sản lượng đạt 10.000 tấn, tăng 1.912 tấn so với năm 2013.

Có thể thấy, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết, nghề nuôi tôm Quảng Ninh có những bước tiến bộ đáng kể: Diện tích nuôi tôm toàn tỉnh năm 2016 chỉ tăng khoảng 3% so với năm 2013, nhưng diện tích nuôi tôm công nghiệp đã tăng rõ rệt, chủ yếu là do chuyển đổi từ nuôi quảng canh/quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh/bán thâm canh theo quy mô công nghiệp. Nhờ đó sản lượng tôm nuôi của tỉnh năm 2016 đã tăng 125% so với năm 2013, đứng đầu các tỉnh phía Bắc. Diện tích nuôi nhuyễn thể đạt 3.543ha, tăng 265ha so với năm 2013. Sản lượng nhuyễn thể đạt trên 22.311 tấn, tăng 12.458 tấn, năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha.

Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao do Tập đoàn Việt Úc làm chủ đầu tư tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà.  Ảnh: Văn Triều (Đài Đầm Hà)

Hiện nay, Quảng Ninh đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất thuỷ sản, như: Dự án Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại huyện Đầm Hà; dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung trên biển tại Đầm Hà; dự án Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, chế biến thức ăn và chế biến thuỷ sản tại huyện Đầm Hà; dự án sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm công nghệ cao tại xã Cộng Hoà (TP Cẩm Phả)...

Để chủ động và nâng cao chất lượng con giống, việc ứng dụng các quy trình, thiết bị công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất giống, nuôi trồng thuỷ sản đã góp phần tăng nhanh sản lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Hiện toàn tỉnh có 36 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản, đáp ứng được 30% nhu cầu giống cho người nuôi thuỷ sản trên địa bàn. Năm 2016, các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn sản xuất được hơn 1,1 tỷ con giống, tăng 317 triệu con so với năm 2013. Đặc biệt, ngày 19-5 vừa qua, Dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao do Tập đoàn Việt - Úc làm chủ đầu tư đã chính thức được khởi công xây dựng tại xã Tân Lập (huyện Đầm Hà) với tổng diện tích hơn 300ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng là điểm nhấn cho phát triển ngành sản xuất tôm công nghệ cao của Quảng Ninh. Dự án bao gồm các hạng mục: Khu sản xuất giống quy mô 8 tỷ con giống/năm; khu nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh, mật độ 200-500 con/m2, năng suất khoảng 100-300 tấn/ha/năm, được nuôi theo công nghệ nhà màng; nhà máy chế biến để tăng giá trị con tôm; nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm nhằm tạo ra vùng nguyên liệu tập trung để xuất khẩu, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Quảng Ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm lớn nhất miền Bắc.

Không chỉ mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản, mà cơ cấu đội tàu khai thác cũng thay đổi theo hướng tăng tàu xa bờ, giảm tàu gần bờ. Đến tháng 4-2017, tổng số tàu cá của tỉnh Quảng Ninh là 7.494 tàu, trong đó, tàu có công suất thiết kế dưới 90CV là 6.988 tàu, tàu có công suất từ 90CV trở lên là 506. Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản năm 2016 đạt 58.200 tấn, tăng 2.566 tấn so với năm 2013, bằng 102,1% so với mục tiêu Nghị quyết. 4 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác đạt 19.047,5 tấn, bằng 33,33% so với kế hoạch năm 2017.

Về chế biến thuỷ sản, hiện Quảng Ninh 3 công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Năm 2016, sản phẩm thuỷ sản đưa vào các nhà máy chế biến chiếm khoảng 25% so với tổng sản lượng thuỷ sản. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 23 triệu USD/năm. Các sản phẩm chủ yếu là sản phẩm đông lạnh, như mực ống, bạch tuộc đông lạnh ăn liền, tôm biển Sushi đông lạnh và cá thu, cá ngừ... Các mặt hàng sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường, như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... Cùng với đó, hiện trên địa bàn có 14 cơ sở chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa thuộc cấp tỉnh quản lý. Các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, chả mực, thuỷ sản khô, ruốc hàu, ruốc cơ trai... là các sản phẩm có giá trị, thương hiệu, tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Đến nay, 100% cơ sở chế biến thuỷ sản trên địa bàn đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP.

Có thể thấy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 13 về phát triển kinh tế thuỷ sản đã thu được những kết quả đáng kể. Trong giai đoạn 2014-2016, tổng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực thuỷ sản là 269,232 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 119,837 tỷ đồng, ngân sách trung ương là 149,395 tỷ đồng. Với sự đầu tư toàn diện và những cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực phát triển kinh tế thuỷ sản, Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu đưa thuỷ sản trở thành ngành kinh tế quan trọng với định hướng phát triển bền vững.

Hữu Việt Báo Quảng Ninh