Đua nhau nuôi tôm chân trắng, vịnh Lăng Cô nguy cơ bị ô nhiễm
Hàng chục hộ dân đào hồ, xây bể thả nuôi tôm chân trắng trái phép. Hồ nuôi không có hệ thống lắng lọc, xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường khu vực đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế)
Từ cuối năm 2014, để quản lý việc nuôi tôm chân trắng, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành quyết định số 72 “Quy định về nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và Lăng Cô”. Theo đó, cơ sở nuôi tôm chân trắng bắt buộc phải nằm trong vùng quy hoạch, phải đăng ký và được sự phê duyệt của chính quyền địa phương. Thế nhưng, từ cuối năm 2014 đến nay, người dân thị trấn Lăng Cô đua nhau đào hồ, xây bể nuôi tôm chân trắng trái phép với diện tích lên đến hàng chục hécta.
Các hồ tôm hình thành sát mép đầm Lập An, len lỏi tận những khu vực dân cư đông đúc ở các thôn Loan Lý, Mũi Doi, Hói Dừa (thị trấn Lăng Cô). Ông Nguyễn Văn Đ., thôn Lập An, bỏ ra 250 triệu đồng xây 2 hồ với diện tích 2.000m2. Sau 3 vụ thả nuôi, ông Đ. đã hoàn vốn và có lãi. Thấy ông Đ. làm có ăn, nhiều hộ dân cũng đua nhau đào hồ nuôi tôm. “Nhiều hồ tôm rộng chưa tới 100m2, thả đúng mật độ, cũng chỉ lấy công làm lãi, nhưng dân mình tham, thả nuôi hàng vạn con tôm dẫn đến dịch bệnh, chết”, ông Đ. nói.
Đã có nhiều hộ dân rơi vào tình trạng nợ nần vì tôm chân trắng, như ông T. ở Hói Dừa lỗ trên 100 triệu; ông D. có lỗ 80 triệu... “Tưởng dễ ăn, ai dè tôm liên tục chết, dân ở đây nhiều người nợ bạc mặt. Không xoay đâu ra tiền đầu tư tiếp nên nhiều người bỏ hồ, bán cho người khác”, ông D. than thở. Và cũng do đầu tư vội vàng theo phong trào nên phần lớn hồ nuôi không có hệ thống xử lý nước thải và được xả trực tiếp ra khu vực đầm Lập An.
Ông Mai Văn Xỉ, Phó Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết, sau khi có quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phòng và các xã, thị trấn đã tổ chức tổng cộng 13 lớp tuyên truyền cho người dân về nuôi tôm thẻ chân trắng. Riêng tại địa bàn thị trấn Lăng Cô, người dân phát triển nuôi tôm chân trắng tràn lan.
Cụ thể đã có 80 hộ nuôi không xin phép với diện tích hơn 30 hécta. “Trước tình trạng này, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, vận động và có nhiều hộ cam kết không nuôi nữa và những hộ tôm chết hàng loạt đã treo hồ. Tuy nhiên, vẫn còn 32 hộ hộ cố tình nuôi. Chúng tôi đã tiến hành lập biên bản bàn giao cho địa phương xử lý”, ông Xỉ cho biết.
Trả lời câu hỏi việc chính quyền địa phương mất kiểm soát trước tình trạng nuôi tôm trái phép đã phá vỡ quy hoạch, về lâu về dài chắc chắn ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường ở khu vực đầm Lập An và cả vịnh Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới.
Ông Xỉ cho rằng ở các hội thảo đã đưa ra, nhưng chưa có câu trả lời. “Theo tôi việc nuôi tôm chân trắng không lắng lọc chất thải chắc chắn có ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh trong đầm.Theo tôi là không ảnh hưởng đến vịnh Lăng Cô vì khu vực đầm Lập An rộng hơn 1.650 hécta, chất thải sẽ tự lắng thôi”, ông Xỉ nói.