Được mùa cá cháo
Cứ mỗi mùa se se gió bấc, khi những cây me chua đất và những nương trồng ném (còn được gọi là hành tăm) đã lên xanh tốt, thì cũng là lúc vào mùa cá cháo (hay còn gọi là cá khoai). Vụ cá cháo năm nay được mùa, những chiếc thuyền nan đầy ắp cá cập bờ, mang lại niềm vui cho nhiều ngư dân vùng bãi ngang Quảng Trị.
Mùa cá cháo
Cứ đến hẹn lại lên, mùa cá cháo bắt đầu vào dịp cuối năm. Những lão làng trong nghề đi biển cũng không biết cá cháo bình thường sinh sống chủ yếu ở vùng biển nào, tầng nước nào... chỉ biết rằng vào những ngày trời có sương tháng 10, tháng 11 âm lịch, biển êm sau giông tố là cá cháo xuất hiện nhiều.
Sáng sớm tinh mơ, tôi tìm đến vùng biển bãi ngang thuộc xã Gio Hải, huyện Gio Linh, đây là một trong những địa điểm tập kết nhiều nhất của ghe, thuyền đánh bắt cá cháo. Ngư dân Trần Văn Tối và Trần Văn Tứ, ở thôn 4, xã Gio Hải là những ngư dân thu được những mẻ cá cháo đầu tiên trong ngày.
Anh Tối cho biết: “Cá cháo bắt đầu xuất hiện ở những vùng biển cạn ven bờ vào mỗi dịp đầu tháng 10 âm lịch, những đàn cá cháo từ các vùng biển sâu đến ven bờ để săn các loài nhuyễn thể và kết đôi; năm nay cá cháo nhiều bởi khí hậu ấm. Loài cá cháo có đặc điểm là tập trung chủ yếu ở vùng nước nông, cách bờ tầm nửa hải lý (800 - 900 m), với độ sâu 6-7 sải nước; loại lưới thường được sử dụng là lưới 2 (mắt lưới khoảng 2- 4 cm); thời gian buông lưới là sáng sớm, hoặc trưa, sau khoảng 4- 5 tiếng đồng hồ là thu lưới”.
Theo anh Tối thì cá cháo đầu mùa hoặc cuối mùa thường đắt, có khi lên đến 80 ngàn đồng/kg, giữa mùa, cá bán ở bến thì rẻ hơn so với ở chợ, giao động trong khoảng 30- 40 ngàn đồng/kg, nhưng đến các chợ đầu mối lớn như Đông Hà, Hồ Xá thì giá bán buôn cao hơn thường là 50- 60 ngàn đồng/kg. Cá cháo có đặc tính là tập trung chủ yếu ở ven bờ, đánh trong ngày nên rất tươi. Những ai muốn ăn cá cháo tươi, đúng giá, thì nên xuống bến, đợi tàu đến xả cá là chọn mua, như vậy là mua cá tại nguồn, vừa rẻ, vừa bảo đảm chất lượng, ngư dân được mùa nên nhiều khi còn hào phóng biếu thêm.
Cả thôn 4 xã Gio Hải, Gio Linh có 60 chiếc thuyền nan đánh cá. Những thuyền này được trang bị máy 10 sức ngựa, chủ yếu khai thác thủy sản ven bờ, không thể đi khơi xa vì không đủ trang bị. Mùa này chủ yếu là đánh bắt cá cháo, ruốc (còn gọi là tép), mỗi chuyến đi thuyền nan như vậy tốn 1 -2 công, với đầu tư tiền dầu khoảng 150 ngàn đồng.
Theo anh Tối thì làm nghề biển cũng lắm may rủi , hôm trúng thì cả mấy triệu bạc, hôm không gặp may thì chỉ đủ ăn trong ngày, muốn làm lớn thì phải sắm tàu to, nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện để đầu tư gần 2 tỷ đồng để đóng tàu, trong khi đó một con thuyền nan, có máy 10 sức ngựa trị giá chưa đến 20 triệu đồng. Từ xưa đến nay bà con ngư dân ở vùng bãi ngang này vẫn bám biển với những con thuyền nan như vậy.
Đã gần trưa, những chiếc thuyền bắt đầu cập bờ, những ngư dân đưa bàn tay cuồn cuộn, cháy nắng nhấc từng rổ cá cháo ra khỏi khoang thuyền. Những người phụ nữ chạy tới, chạy lui, những thúng cá đều đặn được chuyển lên bờ. Mặt trời phản chiếu trên mình những con cá tươi óng ánh, đôi tay những người phụ nữ thoăn thoắt nhặt, phân loại những loại cá theo kích cỡ và giá tiền, còn đàn ông nhẩn nha đứng trò chuyện, hút thuốc, tranh thủ lót dạ và chuẩn bị đi chuyến khác. Cá cháo nhanh chóng được chuyển lên những thùng xốp có đá xay theo chân những người phụ nữ đi khắp chợ quê, chợ tỉnh.
Nguồn lợi cho ngư dân nghèo
Buổi trưa tại bến, những chiếc thuyền tiếp tục cập bờ xả cá. Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, một người đã nhiều năm mua cá cháo cung cấp cho các chợ đầu mối, vừa nhặt những con cá đang còn tươi rói cho vào thúng chuẩn bị chuyển lên xe để xuất đi vừa trao đổi mua bán qua điện thoại, ngừng tay một lúc, chị nói: “Năm nay cá cháo vào khá nhiều, thuyền đánh bắt gần bờ mỗi thuyền có khi được 30 – 40 kg, đặc biệt có thuyền được mùa, thu đến 50-60 kg/ chuyến. Cá cháo hiện rất được ưa chuộng tại các thị trường như Đông Hà, Hồ Xá, Gio Linh... bởi đặc tính của cá cháo rất mát, ít chất béo, nấu kết hợp với các loại rau như me đất, ném, ngò tây... lại có tác dụng an thần rất thích hợp cho những người mất ngủ, đang có chế độ ăn kiêng”.
Chị Thắm cho biết thêm ghe thuyền đánh bắt cá cháo là loại thuyền nan nhỏ, trang bị thô sơ, chỉ có lưới và máy nổ, khu vực đánh bắt chủ yếu là ven bờ, những thuyền lớn, công suất cao thường không đánh bắt cá cháo. Năm nay được mùa cá cháo những người buôn cá như chị cũng có thêm niềm vui.
Quá trưa nhưng khung cảnh mua bán vẫn diễn ra nhộn nhịp, cá vẫn tiếp tục vào. Chị Bùi Thị Niên ở xã Gio Hải, Gio Linh vừa chất cá lên chiếc xe máy hoen rỉ vì muối biển vừa nói như giải thích: “Giờ này chợ tan rồi, như tôi lấy cá lên giờ thì chỉ có thể đi bán rao ở các xóm làng, chừng này cá (chị chỉ vào 2 thúng cá) chắc đến chiều là bán hết, mỗi thúng cũng lời ít nhất trăm ngàn, vậy là vui rồi”.
Theo ông Lê Phương ở thôn An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh, một ngư dân đã có 60 năm làm nghề biển thì ngày xưa cá cháo nhiều vô kể, mắc lưới nhiều khi ngư dân còn bực bội vứt bỏ. Cá cháo có hàm răng sắc, vướng lưới là làm hỏng lưới, cá mang lên làm mắm cũng không được, phơi khô cũng không xong, ăn chỉ được trong ngày, người dân chỉ biết mang đi đổi khoai nhưng cũng ít ai đổi, bán không ai mua. “Nhưng hiện nay, cá cháo thành đặc sản, giá cả không còn như xưa, dân nghèo bây giờ chưa chắc dám bỏ tiền mua ăn. Vì là đặc sản chỉ có trong mấy tháng nên ai cũng trông để được thưởng thức”, ông Phương nói.
Tết này, người dân ven biển bãi ngang lại có một cái tết sung túc vì được mùa cá cháo, không ít hộ ngư dân trong một ngày kiếm được cả mấy triệu đồng, đó là một tin vui vì năm nay bão lũ thất thường, việc khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn. Vào dịp gần tết như thế này, không ít người xa quê mong được trở lại vùng biển quê hương để thưởng thức món lẩu cá cháo hay cá cháo nấu canh chua đã gắn liền với họ suốt từ những năm tháng tuổi thơ cho đến khi trưởng thành.