Đường dây nóng 1800 1034 để bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Thực tế cho thấy dù hiểu rất rõ những hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, nhưng vì thói quen và ý thức chưa cao của người dân trong việc làm hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sản, do cuộc sống mưu sinh, nhiều người vẫn tiếp tục sử dụng các phương pháp, các hành vi gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản đang ở mức báo động rất cần có sự quan tâm sâu sắc từ các Ban, ngành liên quan.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản như: khai thác tập trung đông ở khu vực ven bờ, quy mô ngư lưới cụ ngày càng tăng, các nghề cào, lưới… đặc biệt sử dụng xung điện, hóa chất khai thác hủy diệt các loài thủy sản. Hiện nay, số nghề khai thác hủy hoại nguồn lợi thủy sản chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu nghề khai thác bao gồm các nghề cào, đặt rập, đóng đáy, lưới mùng, xiệp… để khai thác cá bố mẹ trong mùa sinh sản còn xảy ra nhiều ở địa phương.
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về sử dụng, khai thác thủy sản bền vững được tổ chức thường xuyên. Sự quyết tâm của Ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bao gồm cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và trong cộng đồng dân cư có ý thức bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và sử dụng nguồn lợi thủy sản còn chưa thiết thực và còn hạn chế.
Do đó, việc tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng để đảm bảo khai thác thủy sản lâu dài và bền vững các loài thủy sản, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản. Đồng thời, tiếp tục công tác tập huấn, truyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần quản lý nghề cá bền vững. Từ đó, trong cộng đồng dân cư nắm bắt kịp thời về các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản để cộng đồng cùng hành động hợp tác cùng các cơ quan chức năng bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phục vụ cho hôm nay và thế hệ mai sau. Ông Võ Hoàng Đan, Phó Phòng Khai thác và Phát triển NLTS – Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Để nêu cao tinh thần tố giác của người dân trong bảo vệ nguồn lợi và môi trường nuôi thủy sản. Chi cục thủy sản đã thành lập đường dây nóng 1800 1034 để bà con có thể trực tiếp trình báo những vấn đề, hành vi vi phạm họat động khai thác và nuôi trồng thủy sản, làm tổn hại đến môi trường biển, nguồn lợi thủy sản ven biển”.
Công tác tuần tra, xử lý kịp thời các vi phạm khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ trái phép.
Đường dây nóng 1800 1034 hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày, tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân thông báo các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Người cung cấp thông tin sẽ được miễn phí toàn bộ cước phí gọi đến, đồng thời được đảm bảo hoàn toàn giữ bí mật về danh tính, địa chỉ. Nếu người cung cấp thông tin yêu cầu được biết kết quả thì cơ quan đơn vị trực tiếp tiếp nhận thông tin có trách nhiệm thông báo cho người đó biết sau khi giải quyết. Qua số tổng đài này, người dân dễ dàng có cơ hội hợp tác với các cơ quan chức năng, thể hiện quyền lợi mà cũng là trách nhiệm để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản trên địa bàn mình sinh sống. Ông Lý Hoàng Trợ, ngư dân thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Tôi thấy thành lập được nhóm đồng quản lý ven biển, rồi đường dây nóng 1800 1034 hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày là điều kiện thuận lợi để ngư dân phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản, để các ngành chức năng kịp thời xử lý theo đúng pháp luật”.
Mặt khác, hằng năm tỉnh Sóc Trăng có hàng trăm tàu thuyền từ các tỉnh khác đến đánh bắt, việc khai thác sai quy định rất khó kiểm soát. Tuy các cơ quan chức năng tích cực tuần tra nhưng không thể sâu sát và thường xuyên bằng người dân địa phương. Trong khi đó, việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi từ tự nhiên một cách bền vững là liên quan trực tiếp đến nguồn thu nhập và đời sống của tất cả ngư dân trong tỉnh. Ông Đoàn Văn Đùa, ngư dân thị xã Vĩnh Châu, chia sẻ: “Nguồn lợi thủy sản ven bờ ở Vĩnh Hải rất đa dạng và dồi giàu, nhưng những năm gần đây do các tàu đánh bắt gần bờ ở các tỉnh đến khai thác trái phép như: dùng xung điện, kéo điện, te điện, sử dụng hóa chất để khai thác… Nên nguồn lợi thủy sản ở vùng ven biển này dần giảm rất nhiều. Theo tôi, có được đường dây nóng này và ý thức tố giác của ngư dân cao thì sẽ góp phần hạn chế rất là nhiều việc khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép vùng ven biển của tỉnh”.
Ngoài tiếp nhận các cuộc gọi từ đường dây nóng 1800 1034, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã thành lập 4 nhóm đồng quản lý tại thị xã là Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và Cù Lao dung, nhằm tập hợp ngư dân vừa khai thác và vừa bảo vệ, cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng khi cần ngăn chặn các hành vi vi phạm tại địa phương. Ông Lê Văn Hăng, Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi CụcThủy sản Sóc Trăng, cho biết: “Từ khi thành lập đường dây nóng 1800 1034 đã mang lại hiệu quả thiết thực như ngư dân và nông dân biết được địa chỉ, cơ quan có thẩm quyền, chức năng để tố cáo, thông tin những trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản ven bờ, việc xả thải nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường. Ngành chức năng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản ven bờ và gây ô nhiễm môi trường nuôi thủy sản. Để đường dây nóng đạt hiệu quả ngày càng cao, tới đây chúng tôi sẽ thánh lập 2 Trạm MCS, trang bị thêm phương tiện phục vụ cho công tác tuần tra, giám sát thủy sản ven bờ để khi có nhận thông tin qua đường dây nóng thì kịp thời có mặt xử lý”.
Ngành chức năng kiểm tra, xử lý phương tiện khai thác thủy sản ven bờ trái phép.
Ngoài kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm đến sự bền vững của nguồn lợi thủy hải sản, việc hình thành đường dây nóng 1800 1034 còn giúp nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và giá trị của nguồn lợi, đồng thời xác định vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Từng bước đưa quản lý nghề cá phù hợp với Luật Thủy sản và tiến tới xã hội hóa trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản./.