Ecuador: Giá tôm cỡ vừa và lớn giảm sâu, người nuôi gặp khó
Làn sóng COVID-19 mới ở Trung Quốc diễn ra phức tạp trong khi thị trường này chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, chi phí năng lượng tại Châu Âu trong mùa đông tăng cao và việc Mỹ liên tục tăng lãi suất dẫn đến nhu cầu đối với tôm Ecuador giảm đáng kể và giá tôm nguyên liệu cũng giảm theo.
Giá tôm cỡ lớn và vừa của Ecuador trong tuần 46 tiếp tục giảm khoảng 0,1 - 0,5 USD/kg (tương đương khoảng 11%) so với tuần trước đó do nhu cầu từ Trung Quốc, EU và Mỹ giảm đáng kể. Giá tôm cỡ nhỏ tiếp tục đi ngang.
“Giá tôm giảm kèm theo chi phí đầu vào tăng cao khiến chúng tôi (những người nuôi tôm của Ecuador) một lần nữa quay cuồng với khó khăn”, một nông dân nuôi tôm từ tỉnh Guayas cho biết.
Một công ty sản xuất tôm khác tại tỉnh El Oro cho biết giá thể duy trì quanh mốc này hoặc thậm chí xấu hơn là giảm thêm cho đến tháng 1/2023.
“Trung Quốc cho biết họ đã mua đủ tôm để đón Tết Nguyên đán vào tháng 1. Điều đó có nghĩa là họ sẽ không mua nhiều như thời điểm trước đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy tình trạng tương tự ở thị trường Mỹ và EU. Cho đến lúc đó, chúng tôi cần sự giúp đỡ từ Chính phủ. Chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao đáng kể và chúng tôi nghe nói rằng giá thức ăn có thể tiếp tục tăng trong tháng 12. Chúng tôi đang phải chịu thua lỗ.”, ông nói.
Một vài cuộc kêu gọi nông dân nuôi tôm đình công trên các diễn đàn mạng xã hội như Facebook hay trên WhatsApp trong bối cảnh thời điểm thu hoạch (dự kiến đầu tháng 12) sắp đến gần:
“Chúng ta (người nuôi tôm của Ecuador) cần đấu tranh để có một mức giá bán công bằng. Nếu chúng ta thu hoạch, chúng ta càng lỗ. Điều đó là quá đủ. Việc giá tôm giảm chỉ xảy ra trong nội địa, không phản ánh biến động trên thị trường quốc tế. Chúng ta, những người nuôi tôm bán cho các công ty xuất khẩu, đang chiếm 69% sản lượng của cả nước”
Đáp lại, nhiều nông dân đã nhấn mạnh thực tế là giá tôm của Ecuador một lần nữa giảm xuống mức thấp nhất thế giới trong khi ở các nước khác lại tăng trong vài tuần trở lại đây.
Ông Jose Antonio Camposano, người đứng đầu phòng nuôi trồng thuỷ sản quốc gia của Ecuador (CNA) nhận định thị trường hiện tại hoàn toàn bế tắc.
“Làn sóng COVID-19 mới ở Trung Quốc diễn ra phức tạp trong khi thị trường này chiếm tỷ trọng lớn. Điều này đóng góp phần lớn vào sự sụt giảm chung trong xuất khẩu tôm của Ecuador. Điều tương tự cũng đã xảy ra vào tháng 4 khi các ca bệnh tăng đột biến”, ông Jose Antonio Camposano nói.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra chi phí năng lượng tại Châu Âu trong mùa đông tăng cao và việc Mỹ liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát đã dẫn đến nhu cầu đối với tôm Ecuador giảm đáng kể tại các thị trường chính này.